Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2018: Sôi nổi, hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều ngày tích cực chuẩn bị, Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya chính thức bắt đầu. Ngay từ buổi sáng ngày đầu tiên (10-11), hàng ngàn lượt du khách từ khắp nơi đổ về tham quan, ngắm cảnh, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của lễ hội.           
Giới thiệu văn hóa truyền thống
Ngay trong buổi sáng, ngoài các hoạt động như phiên chợ nông sản huyện Chư Pah (với sự tham gia khoảng 60 gian hàng), biểu diễn dù lượn, chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya, trưng bày, giới thiệu ảnh đẹp về Chư Pah thì đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, biểu diễn cồng chiêng do chính các nghệ nhân trong huyện Chư Pah trình diễn đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thích thú đến tham quan, trải nghiệm.
Chị em phụ nữ tham gia tại hội thi dệt vải thổ cẩm. Ảnh: P.L
Chị em phụ nữ tham gia tại hội thi dệt vải thổ cẩm. Ảnh: P.L
Khu trưng bày tượng gỗ được đặt gần lối ra vào với khoảng 30 bức tượng. Phía trước là nơi 7 nghệ nhân liên tục biểu diễn tạc tượng. Bằng sức khỏe dẻo dai, với đôi tay tài hoa, khéo léo cùng kinh nghiệm lâu năm, bằng những nhát rìu sắc lẹm, những khúc gỗ thô mộc bỗng chốc biến thành hình người, con thú, chim muông khiến bao du khách trầm trồ thích thú. Cạnh bên, dưới gốc cây to, khoảng 15 nghệ nhân khác cũng đang chăm chỉ, cặm cụi đan từng chiếc gùi, chiếc nia nhỏ xinh. Già Rơ Châm Chep (xã Ia Phí) đan đã được nửa chiếc gùi nhỏ, trò chuyện: “Mình đan được 8 chiếc gùi, người ta đều đã mua hết. Cứ làm đến đâu là bán hết đến đấy. Mỗi chiếc gùi mình bán từ 300.000-500.000 đồng. Hôm nay đi thi cùng với những ông già ở các làng khác, có nhiều khách du lịch đến xem nên cái bụng vui lắm”. 
Thu hút nhất vẫn là các bà, các chị trong bộ đồ truyền thống, ngồi bên khung dệt, tỉ mẩn công đoạn dệt những hoa văn cho từng sản phẩm thổ cẩm. Nhiều du khách nán lại cùng chụp hình, trò chuyện, hỏi han nghệ nhân làm nghề. Bà Rơ Châm Blanh (xã Ia Phí, huyện Chư Pah, Gia Lai) cho hay: “Ở nhà, mình hay dệt đồ cho con, cho cháu mặc và dạy cho những ai muốn học. Hôm nay đến đây thi dệt cùng chị em và trình diễn cho du khách khắp nơi, mình không thấy lo gì, chỉ chuyên tâm làm sao cho đẹp. Thấy du khách thích đồ mình dệt, mình cảm thấy tự hào vì nghề dệt thổ cẩm của dân tộc được nhiều người quan tâm”.
Hàng trăm du khách theo dõi các tiết mục cồng chiêng của các em học sinh. Ảnh: P.L
Hàng trăm du khách theo dõi các tiết mục cồng chiêng của các em học sinh. Ảnh: P.L
Buổi chiều, khu vực trung tâm lễ hội diễn ra Hội thi cồng chiêng học sinh toàn huyện năm 2018. Tham gia hội thi có 7 đội đến từ các trường học trên địa bàn. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, lập tức hàng trăm du khách đã ùa về, đứng thành vòng tròn, thích thú theo dõi. Từng bài chiêng mừng lúa mới, đâm trâu, pơthi… vang lên hòa cùng điệu xoang nhịp nhàng say đắm. Những pơtual “nhí” của từng đội luôn là nhân vật được chú ý nhiều nhất bởi chiếc mặt nạ gỗ, những kiểu hóa trang lạ mắt, hấp dẫn. 
Những pơtual với kiểu hóa trang độc đáo, lạ mắt luôn được du khách trầm trồ, thích thú. Ảnh: P.L
Những pơtual với kiểu hóa trang độc đáo, lạ mắt luôn được du khách trầm trồ, thích thú. Ảnh: P.L
Nô nức trẩy hội
8 Du khách tham quan và mua sắm tại Lễ hội. Ảnh: P.L
Du khách tham quan và mua sắm tại Lễ hội. Ảnh: P.L
7 giờ sáng, trong lúc Ban tổ chức đang hoàn thành những khâu cuối cùng, các gian hàng cũng đã kịp sắp xếp, trưng bày sản phẩm thì du khách từ các ngả đã bắt đầu kéo về khu trung tâm của lễ hội. Trời trong, nắng vàng,  gió nhẹ- khá lý tưởng cho du khách bắt đầu một ngày vui chơi, thăm thú. Tranh thủ khi trời còn sớm, nhiều người tìm cách leo lên đỉnh Chư Đăng Ya để có một trải nghiệm chinh phục thú vị. Phần đông du khách đổ về các sườn núi bạt ngàn thảm hoa dã quỳ để nhìn ngắm, chụp ảnh lưu niệm. Lượng người và xe đổ về khu trung tâm của lễ hội càng đông khi mặt trời lên cao.
Không chỉ khách trong tỉnh, Lễ hội năm nay còn thu hút đông đảo du khách từ các tỉnh, thành tìm đến. Cùng các đồng nghiệp có chuyến công tác tại TP. Pleiku, chị Mạc Thị Thanh Bình đến từ tỉnh Bình Phước cũng dịp này không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan lễ hội. Chị Thanh Bình chia sẻ: “Năm trước mình chỉ biết đến lễ hội qua truyền hình, năm nay trực tiếp đến đây mình mới thấy nơi này thật hấp dẫn. Mình thấy Gia Lai có phong cảnh rất đẹp, con người rất thân thiện. Mình rất thích tìm hiểu văn hóa, phong tục bà con người bản địa, và đây là cơ hội tốt để mình thỏa mãn niềm đam mê đó. Công tác tổ chức lễ hội cũng rất chu đáo" .
Du khách check-in tại Lễ hội. Ảnh: P.L
Du khách check-in tại Lễ hội. Ảnh: P.L
Đến từ thành phố du lịch Nha Trang, từ sáng sớm, anh Phạm Thái Minh cùng gia đình đã "trực chỉ" Chư Đăng Ya. “Gia đình tôi dự định ở lại Gia Lai cho đến khi Lễ hội Hoa dã quỳ kết thúc. Đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai và tham gia lễ hội này. Tôi từ vùng biển lên nên rất thích thú trước ngọn núi lửa hàng triệu năm tuổi. Thời điểm này hoa dã quỳ vàng rực chân núi, rất đẹp”-anh Thái nói. Không chỉ có cảnh quan đẹp, hoa dã quỳ vàng rực khắp mọi nơi, lễ hội còn hấp dẫn bởi các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá cho du khách.
Trời dần chuyển về chiều nhưng lượng khách đến với lễ hội vẫn không hề giảm xuống. Ai nấy đều náo nức, hào hứng chờ đợi lễ khai mạc hoành tráng với chương trình nghệ thuật, các tiết mục cồng chiêng cùng đêm lửa trại bập bùng ngay dưới chân ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, dãy Chư Nâm hùng vĩ…
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.