Lão nông ở Ayun Pa tiên phong sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ông Lê Quang Liêm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hòa là người đầu tiên tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) khảo nghiệm thành công giống lúa ST24, ST25. Hiện nay, ông tiếp tục thí điểm sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ để góp phần xây dựng nhãn hiệu gạo Ayun Pa.

Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hòa hiện có 633 thành viên với 250 ha đất nông nghiệp. Trên cương vị Giám đốc Hợp tác xã, ông Liêm luôn trăn trở tìm hướng đi mới giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình sản xuất lúa ở miền Tây, vụ Đông Xuân 2020-2021, ông quyết định gieo trồng khảo nghiệm 1,5 ha lúa ST24 và ST25. Mặc dù năng suất chỉ đạt 7 tạ/sào, thấp hơn các giống lúa truyền thống nhưng với giá 20.000 đồng/kg gạo thì hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. Gạo xát đến đâu bán hết đến đó. Ông để lại một ít gạo biếu người thân, bạn bè, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon.

 Ông Lê Quang Liêm kiểm tra diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Chi
Ông Lê Quang Liêm kiểm tra diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Chi


Sau thành công trong vụ Đông Xuân, ông tiếp tục thử nghiệm trồng lúa ST24 và ST25 trong vụ mùa để so sánh hiệu quả. Theo đánh giá của ông, lúa ST24, ST25 cao cây, thích hợp với vụ Đông Xuân. Còn vụ mùa, thời tiết thường mưa bão, lúa dễ ngã đổ, giảm năng suất. Đặc biệt, trong vòng 15-16 giờ sau khi thu hoạch, hạt lúa phải được làm khô ngay mới giữ được chất lượng. Tuy người dân địa phương đánh giá cao chất lượng hạt gạo ST24, ST25 nhưng điều làm ông Liêm trăn trở là nó chưa phải gạo sạch. Vì vậy, khi biết thông tin Hội Nông dân thị xã Ayun Pa liên kết với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông lại tiên phong làm mô hình thí điểm.

Vẫn trên 1,5 ha đất của gia đình, ông phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ sản xuất lúa BĐR 999 và VNR 20 theo hướng hữu cơ. Công ty cử nhân viên kỹ thuật trực tiếp xuống thăm đồng, kiểm tra, tư vấn bón phân hữu cơ. Theo đó, ông bón phân cho ruộng lúa 3 lần vào các giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng, bình quân 50 kg/sào kết hợp phun đạm cá bón lá. Qua so sánh, ông nhận thấy kinh phí đầu tư phân bón hữu cơ và vô cơ tương đương nhau, song diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ xanh đều và rất ít sâu bệnh. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của việc sử dụng phân hữu cơ là giúp đất tơi xốp, giảm chi phí đầu tư phân bón trong các vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, phân hữu cơ đặc biệt an toàn với sức khỏe người nông dân, chất lượng hạt gạo cũng tăng lên đáng kể.

Trên cơ sở hiệu quả đạt được, vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hòa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình dự kiến triển khai trên diện tích 20 ha, sử dụng giống lúa ST24. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được Công ty hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ, được hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “Gắn bó với đồng ruộng, đặc biệt là cây lúa, mong mỏi lớn nhất của tôi là thay đổi nhận thức của bà con trong sản xuất nông nghiệp. Muốn vậy, mình phải tiên phong làm trước. Thấy mình thành công, bà con sẽ học hỏi làm theo.Tôi thấy hạnh phúc vì mình có phần đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp thị xã”-ông Liêm bộc bạch.

Theo ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa: Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hòa và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp tại thị xã, hướng đến xây dựng nhãn hiệu gạo Ayun Pa. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp rất lớn của ông Lê Quang Liêm. Ông là người tiên phong triển khai thí điểm sản xuất giống lúa chất lượng cao để làm căn cứ nhân rộng mô hình tại địa phương.

 

 VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.