Lão nông lớp 5 cải tiến máy cày đa năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ chiếc máy cày chuyên dụng, ông Nguyễn Thái Châu (SN 1956, trú tại thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã cải tiến thành chiếc máy đa năng có thể san gạt, làm đất và chăm sóc mía.

Năm 1997, ông Nguyễn Thái Châu gom góp được 60 triệu đồng vào tỉnh Đồng Nai mua chiếc máy cày MTZ 50 của Nga về phục vụ sản xuất và cày thuê kiếm thêm thu nhập. Qua thời gian sử dụng, một số bộ phận của máy cày xuống cấp, làm giảm hiệu quả sản xuất. “MTZ 50 là máy cày chuyên dụng có giàn khung dày, chắc chắn. Nếu bán sắt vụn chẳng được mấy đồng nên tôi nảy sinh ý tưởng cải tiến, làm mới hệ thống điện, dây dẫn”-ông Châu cho biết.

Ông Nguyễn Thái Châu (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm chế tạo, nâng cấp máy cày với ông Nguyễn Cho (cùng thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: A.P

Ông Nguyễn Thái Châu (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm chế tạo, nâng cấp máy cày với ông Nguyễn Cho (cùng thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: A.P

Nghĩ là làm, năm 2007, ông Châu tìm mua một số phụ tùng về mày mò lắp ráp. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ bạn bè và sách báo, ông Châu đã nâng cấp động cơ máy cày từ 50 mã lực lên trục bô công suất đạt 925, tương đương 90 mã lực và máy cày từ 1 cầu thành 2 cầu. “Việc nâng cấp giúp máy dễ dàng vượt qua những địa hình hiểm trở, cày đất sâu và nhanh hơn”-ông Châu giải thích.

Để cải tiến máy cày chuyên dụng thành chiếc máy đa năng, ông Châu đầu tư hơn 10 triệu đồng mua máy cắt, máy khoan, máy hàn. Tranh thủ lúc nông nhàn, ông cặm cụi cắt hàn, lắp ráp để hoàn thiện chiếc máy điều khiển giàn cày 3 chảo, giàn bừa, giàn phay mịn đất, rạch hàng trồng đậu, trồng bắp.

Năm 2016, ông Châu mua bộ điều khiển thủy lực gắn cố định phía trước chiếc máy với mục đích khi cần có thể lắp ráp lưỡi ủi. “Những lúc nông nhàn, tôi nhận san ủi mặt bằng, ruộng nương thuê hoặc san gạt cỏ cây dại hai bên đường vào khu sản xuất giúp cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Vào vụ gieo trồng, chăm sóc mía, tôi gỡ lưỡi ủi ra, ráp hệ thống tự chế tạo vào để phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả hoạt động của thiết bị”-ông Châu chia sẻ.

Năm 2018, lão nông U70 tiếp tục chế tạo thành công hệ thống chăm sóc mía gồm: thùng đựng phân bón bằng inox có mô tơ điều khiển; 2 ống dẫn phân bón; 2 trụ; 2 bộ chảo chăm sóc, mỗi bên 3 chiếc và 2 lưỡi cày rạch hàng. Hệ thống này được gắn phía sau máy cày. “Khi cày rãnh, bón phân, 2 trụ có tác dụng rẽ đất thành rãnh, bộ phận mô tơ hoạt động đẩy phân bón trong thùng vào 2 ống dẫn gắn cố định ở 2 trụ, rải đều trực tiếp xuống rãnh hai bên hàng mía, hạn chế vương vãi. Bộ chảo với những răng vuông góc có tác dụng nghiền đất, làm đứt rễ già, kích thích cây mía ra rễ mới, khi gặp phân bón sẽ hấp thụ, cây trồng mau phát triển, đẻ nhánh. Bộ chảo còn có tác dụng lấp đất hạn chế bốc hơi thất thoát phân bón; tạo lớp đất mới phủ lên gốc mía, thành luống cao, cây mía ít bị ngã đổ. Còn khi trồng mía, gắn 2 lưỡi cày vào 2 trụ, máy cày đi đến đâu tạo thành 2 rãnh lớn, bón lót phân bón, người trồng đi phía sau bỏ hom mía, bộ chảo phía cuối úp đất tạo thành từng luống thẳng đều”-ông Châu nói về quy trình hoạt động của hệ thống chăm sóc mía.

Từ chiếc máy cày chuyên dụng, ông Nguyễn Thái Châu (thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã tìm tòi nghiên cứu nâng cấp thành máy cày đa năng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: An Phát

Từ chiếc máy cày chuyên dụng, ông Nguyễn Thái Châu (thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã tìm tòi nghiên cứu nâng cấp thành máy cày đa năng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: An Phát

Cũng theo ông Châu, ngoài phục vụ công việc gia đình, ông nhận hợp đồng cày thuê hơn 70 ha/năm, gấp đôi so với thời điểm máy chưa nâng cấp; giá cày chăm sóc mía thuê là 1,5 triệu đồng/ha. “Việc cày chăm sóc mía thuê đem lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Châu bộc bạch.

Là một trong những người được ông Châu hướng dẫn nâng cấp máy cày, ông Nguyễn Cho (cùng thôn Tân Định) cho hay: Hàng năm, gia đình ông trồng và nhận chăm sóc 20 ha mía của người dân trong thôn. Năm 2006, ông mua chiếc máy cày 7 chảo giống như của ông Châu. “Mặc dù ông Châu mới học hết lớp 5, chưa từng qua trường lớp đào tạo cơ bản về cơ khí, chế tạo máy nhưng nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi mà nâng cấp máy cày thành công. Nhờ ông Châu hướng dẫn, năm 2020, tôi lắp đặt, chế tạo thành công hệ thống chăm sóc mía”-ông Cho vui vẻ nói.

Còn ông Đặng Hữu Hạnh (thôn Tân Phong, xã Tân An) thì chia sẻ: “Tôi thuê ông Châu cày chăm sóc mía với mức chi phí giảm từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ha so với cách làm thông thường. Quan trọng hơn, việc bón phân, xới đất kịp thời giúp cây mía mau hồi phục, phát triển tốt, năng suất ổn định 80-90 tấn/ha”.

Bà Phạm Thị Ngọc Loan-Phó Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: Máy cày cải tiến của ông Nguyễn Thái Châu khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả cho gia đình và một số hộ trồng mía trên địa bàn. Chúng tôi tiếp tục động viên, khuyến khích ông Châu nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm sáng chế máy cho nhiều người biết để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Có thể bạn quan tâm