Ký ức lá dừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với lũ trẻ nông thôn chúng tôi ngày trước, hè đến đích thực vào “mùa chơi”. Hồi ấy, trẻ con làm gì nhiều đồ chơi sẵn có như bây giờ. Chúng tôi thường phải tự làm lấy đồ chơi, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để “chế tác” như: nặn đất sét, dán diều, làm chong chóng, bày cỗ hoa cỗ lá... Vậy nên, con nít đa phần rất tháo vát. Vụng về “có mã số” như tôi thì cũng tự tay làm được vài món đồ chơi cơ bản. Thích nhất phải kể tới những đồ chơi được tết bằng lá dừa.

Quê tôi xưa trồng nhiều dừa, nhưng tìm được cọng lá dừa để làm đồ chơi lại là chuyện không hề đơn giản. Những cây dừa cao vọi. Trưa trưa, đứng dưới gốc, lũ chúng tôi chỉ biết nhóng cổ dòm lên những tàu dừa lá mướt xanh, rì rào trong gió mà… thèm, chứ còn khuya mới với tới. Tàu dừa tự rụng lá đã khô quắt, chỉ còn đem… nhóm bếp.

Nhà tôi có cây dừa xiêm mới trồng, bắc ghế leo lên vừa tầm nhưng lại bị mẹ cấm, bảo để cho dừa lớn. Lệnh mẹ nghiêm lắm, đụng vào là ăn roi ngay. Vậy nên, muốn chơi lá dừa chỉ còn cách theo năn nỉ anh Hai. Anh Hai giỏi trèo dừa. Đợi trưa ba mẹ ngủ, anh sẽ thoăn thoắt trèo lên cây dừa lão trước nhà, lựa tàu dừa xanh nhất mà đu, rồi tước lá ném xuống. “Công quả” ấy của anh sẽ được lũ nhỏ đền đáp bằng việc lúc anh cần, sai đâu thì chúng tôi chạy đó.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi “vỡ lòng” nghề làm đồ chơi lá dừa từ chị Tư với kỹ năng tết lá dừa thành đồng hồ và nhẫn đeo tay. Đẹp tuyệt, vừa in, bởi cái lá dừa mềm mại muốn tước to xé nhỏ xuôi theo thớ lá tùy ý. Thêm nữa, vòng đeo luôn được chị Tư thiết kế “động”, tức là có thể thu vào hoặc nới ra cho ôm vừa theo hình dáng cổ tay, ngón tay. Trời ạ, chỉ nhẫn lá dừa, đồng hồ lá dừa mà sao đeo vào thấy đứa nào cũng… sang trọng hẳn ra. “Sang” tới mức chiều đi tắm cứ… chần chừ tiếc nuối, không muốn tháo cất.

Xong bài học từ đồng hồ và nhẫn lá dừa chỗ chị Tư rồi thì tôi tiếp tục theo anh Năm “thọ giáo” nghề làm chong chóng. Chong chóng lá dừa trông tưởng dễ mà khó. Ban đầu tưởng bở, thấy anh Năm làm, tôi không thèm hỏi, cứ liếc trông anh thao tác mà bắt chước làm theo. Cũng thành cái chong chóng đàng hoàng 4 cánh. Vậy nhưng, mang ra trời gió nó cứ lúc lắc rồi… đứng im, nhất định không quay. Làm tới cái thứ 3 vẫn thất bại, tôi đành nhờ anh hướng dẫn. Nghe anh chỉ bày mới biết, thì ra, đám chong chóng tôi làm hình thức tuy có giống nhưng do thiết kế kém “bình”, bên nặng bên nhẹ nên không thể quay. Anh Năm thấy biết tỏng, có điều muốn cho tôi một bài học nên không nói ngay. Vừa hướng dẫn cách “sửa sai”, anh vừa lè lưỡi lêu lêu cái vụ “tài khôn” khiến tôi xấu hổ đỏ lựng tận chân tóc.

Vậy nhưng, đáng nể nhất vẫn là tay nghề của chị Ba với các trò tết lá dừa thành con chim bay, cào cào, châu chấu. Chị Ba khéo tay nhưng công việc nhiều, ít khi rảnh rỗi. Bảo “truyền nghề” để tự làm, chị không giấu. Có điều tay nghề cỡ chị Tư, anh Năm còn chưa học được tính chi đến loại vụng về như tôi. Thật tình chơi gì thì chơi, chỉ cần thấy những thứ chị làm là đứa nào đứa nấy đều mê mẩn. Đẹp, sống động đến mức khó tin rằng những món đồ chơi kia lại được chế tác từ chiếc lá dừa.

“Học nghề” không được, nhưng tôi cũng còn chút an ủi: Vào năm học, chị Ba hứa cứ mỗi điểm 10 tôi mang về sẽ được chị tặng 1 con chim hoặc 1 con châu chấu lá dừa. Lời hứa ấy với tôi quả rất “động lực”. Muốn có đồ chơi phải cố gắng học và thật tình tôi học cũng không tệ. Có điều, những món đồ chơi tết bằng lá dừa tuy đẹp nhưng không thể để lâu. Mươi hôm là lá đã khô quắt. Nhìn mớ “rác lá dừa”, tôi như chực khóc. Chị Tư bắt gặp, cười ngất rồi bảo: Trời đất, hư thì… ráng học, kiếm thêm điểm 10 để được thưởng tiếp thôi nhóc!

Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi.

Có thể bạn quan tâm

Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...