Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Vì mục tiêu an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 7-7, hơn 14.000 thí sinh trong tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xung quanh nội dung này.
*P.V: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tỉnh đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Văn Long. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Văn Long. Ảnh: Hồng Thi
- Ông Nguyễn Văn Long: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở GD-ĐT đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch và các phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan. 
Theo đó, Sở đã phối hợp tuyên truyền đến học sinh, học viên và phụ huynh về các nội dung đăng ký dự thi, quy chế thi, thời gian thi, bài thi, môn thi, điểm thi và một số lưu ý đối với thí sinh; đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thi cho các đơn vị, cá nhân liên quan. Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức 63 điểm tiếp nhận hồ sơ; thành lập 53 đoàn kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi nhằm kiểm tra chéo giữa các điểm tiếp nhận hồ sơ; tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi; thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi.
Cùng với đó, Sở cũng lên phương án cụ thể cho việc in sao đề và vận chuyển đề thi, cử đúng và đủ nhân sự thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang-thiết bị phục vụ cho việc in sao đề. Khu vực in sao đề đảm bảo 3 vòng độc lập theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc in sao theo nguyên tắc cuốn chiếu; chú trọng công tác bảo mật và bảo quản túi đựng đề thi. Đề thi sẽ được đựng trong thùng sắt có khóa an toàn và niêm phong khi vận chuyển. Tại mỗi điểm thi sẽ bố trí 1 phòng chứa đề thi, bài thi với 2 tủ riêng biệt; có camera quan sát bao phủ hết phòng liên tục 24/24 giờ; có 1 phó trưởng điểm thi (từ nơi khác đến) và Công an trực 24/24 giờ; có trang-thiết bị phòng-chống cháy nổ đầy đủ. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ nhân lực, vật lực cho các khâu làm phách, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm.
Năm nay, toàn tỉnh có 14.024 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 13.494 thí sinh THPT và 530 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Hội đồng thi đã bố trí 39 điểm thi với cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi theo quy định ở 17 huyện, thị xã, thành phố với 616 phòng thi (tăng 2 điểm thi so với năm 2020). Tại mỗi điểm thi chính thức đều có các phòng thi dự phòng theo quy định. Ngoài ra, ở mỗi huyện, thị xã, thành phố còn bố trí 1 điểm thi dự phòng. Trên cơ sở số liệu thí sinh, điểm thi và phòng thi, Sở GD-ĐT đã điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm công tác thi, kể cả lực lượng dự phòng với số lượng khoảng 2.376 người. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được triển khai đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định và cơ bản hoàn tất.
*P.V: Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, Sở GD-ĐT đã tham mưu tổ chức kỳ thi theo phương án nào và tiến hành những phần việc gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Long: Đến thời điểm này, Gia Lai đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, ứng với phương án thứ nhất đã xây dựng, tức tỉnh nằm trong điều kiện an toàn. Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành triển khai rất nhiều biện pháp, phần việc. Cụ thể: bố trí điểm thi, phòng thi dự phòng; tổ chức tập huấn công tác phòng-chống dịch Covid-19 cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi và nhân viên y tế tại điểm thi; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả cán bộ coi thi và thí sinh, kể cả thí sinh tự do trước ngày thi chính thức 7 ngày và tiếp tục khai báo trong ngày làm thủ tục dự thi (ngày 6-7). Trên cơ sở đó, các điểm thi tiến hành xử lý thông tin, sàng lọc những trường hợp có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc có yếu tố nghi mắc Covid-19. Ngành Y tế cũng đã có kế hoạch triển khai các biện pháp an toàn phòng-chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm cho kỳ thi và cử đến mỗi điểm thi 1 cán bộ y tế.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 5 thí sinh thuộc diện F2 và 20 thí sinh thực hiện giãn cách xã hội theo quy định. 25 thí sinh này sẽ tham gia dự thi vào đợt 2 theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, trước và trong những ngày thi, các điểm thi sẽ được thường xuyên khử khuẩn bằng hóa chất cũng như bằng nước sạch. Tất cả cán bộ coi thi và thí sinh khi vào bên trong khu vực thi đều được kiểm tra thân nhiệt, khuyến cáo thực hiện đeo khẩu trang đúng cách và toàn thời gian tại khu vực thi, giữ khoảng cách, thường xuyên rửa tay sát khuẩn… Thí sinh nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 sẽ được phân luồng và thi ở phòng riêng.
Trước và trong những ngày thi, các điểm thi được thường xuyên khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Thi
Trước và trong những ngày thi, các điểm thi được khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Thi
*P.V: Ông có thể cho biết công tác hỗ trợ thí sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được triển khai thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Long: Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành có liên quan tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ phương tiện đi lại cho thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh người dân tộc thiểu số, thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa… có điều kiện tham dự kỳ thi. Tuyệt đối không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng phối hợp với Tỉnh Đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, tiếp sức mùa thi; đưa thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa đến những nơi trọ đảm bảo an toàn, sạch sẽ của các cá nhân, tổ chức từ thiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
*P.V: Ông có lời động viên, gửi gắm gì đến các thí sinh?
- Ông Nguyễn Văn Long: Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng-chống dịch như đã nói ở trên. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy động viên con em mình thật an tâm bước vào kỳ thi. Riêng các thí sinh cần giữ gìn sức khỏe với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tranh thủ ôn lại toàn bộ nội dung kiến thức cơ bản đã học, tạo tâm lý thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi. Trong quá trình dự thi, thí sinh phải tuân thủ đúng quy chế thi; nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế; tránh những sai sót không đáng có và hết sức lưu ý đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày thi. Chúc tất cả thí sinh đạt được kết quả cao trong kỳ thi năm nay!
*P.V: Xin cảm ơn ông!
HỒNG THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.