Kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988 - 14.3.2023): Còn mãi dấu ấn tuổi 20 vì biển đảo quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong ký ức của người lính trở về từ trận chiến Gạc Ma là những chàng trai trẻ rời bờ lên tàu ra Trường Sa năm 1988 ngày ấy với tinh thần hừng hực ra đi để bảo vệ Tổ quốc. 35 năm sau cuộc chiến, tinh thần ấy tiếp nối theo từng con sóng.
Con gái liệt sĩ Phan Huy Sơn (Nghệ An) xúc động trước kỷ vật của bố được lưu giữ tại bảo tàng Gạc Ma. Ảnh: Phương Linh

Con gái liệt sĩ Phan Huy Sơn (Nghệ An) xúc động trước kỷ vật của bố được lưu giữ tại bảo tàng Gạc Ma. Ảnh: Phương Linh

Dẫu có hy sinh… vẫn không nghĩ suy

35 năm trước, vào ngày 14.3.1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong căn nhà cha ông để lại ở khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) ông Trương Văn Hành - em trai liệt sĩ Trương Văn Thịnh kể: “Hồi anh đi bộ đội chuẩn bị ra quân vừa về phép thăm nhà thì đơn vị gọi vào đi Trường Sa. Lúc đó gia đình nghe phong thanh chiến sự ở ngoài đảo có ngăn anh.

Biết đi là khó về nhưng không đi thì không phải là người lính… Và tháng giêng năm 1988 anh lên đường vào Cam Ranh ra đảo… mãi 3 năm sau gia đình mới biết tin anh hy sinh”. Ông Hành cho biết thêm, không còn kỷ vật, không một dòng thư còn lại, 5 năm sau ngày liệt sĩ Trương Văn Thịnh hi sinh gia đình quyết định lập ngôi mộ gió ở nghĩa trang họ tộc.

Nơi cha ngã xuống là nơi con trưởng thành

64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma còn rất trẻ. Số ít kịp có gia đình, có người còn chưa biết mình có con. Rất nhiều đứa trẻ chỉ biết cha qua tấm ảnh.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (sinh năm 1987, công tác tại vùng IV), con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (quê Quảng Bình) là một trong số đó. Xuân sinh ra 3 tháng sau thì cha hy sinh, mọi ký ức về cha là qua lời kể của ông bà, của mẹ, của dì. Từ nhỏ Xuân luôn ấp ủ phải vào bộ đội Hải quân, phải đến nơi cha đã hy sinh bảo vệ biển đảo. Năm 2006 Xuân đăng ký thi vào Học viện Hải quân nhưng bị rớt khi khám sức khỏe vì lên cơn sốt. Thi đậu vào khoa An toàn hàng hải (Đại học Nha Trang) nhưng Xuân xin bảo lưu kết quả để tiếp tục ôn thi vào Học viện Hải quân. 15 năm tiếp nối con đường của cha, Xuân đã ở Trường Sa 10 năm với gần 40 chuyến đi góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường Sa.

“Mỗi lần qua Gạc Ma tôi luôn cùng các đồng đội làm lễ tưởng niệm. 3 lần là trực tiếp làm lễ với vai trò thuyền trưởng và 2 lần là theo đoàn công tác. Điều tôi luôn muốn gửi tới cha là ông hãy thanh thản, yên lòng vì tôi và các đồng đội vẫn đang vững chắc tay thuyền xây dựng và bảo vệ vùng biển Trường Sa” - Thiếu tá Xuân chia sẻ.

Còn với thượng úy Trần Thị Thủy, con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Phương - Đảo phó đảo Gạc Ma thì những gì bố đã hy sinh qua lời kể của các chú là động lực để chị theo con đường binh nghiệp. Tấm gương của bố cũng là chỗ dựa tinh thần để chị trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Lữ 146 vùng 4 Hải quân.

Thắp lửa tình yêu biển đảo ở điểm hẹn tháng 3

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, toạ lạc tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa được nhiều đồng đội và thân nhân gia đình liệt sĩ đặt là “Điểm hẹn tháng 3”. Bờ biển Bãi Dài gần quân cảng Cam Ranh là chứng nhân thầm lặng của những người lính trẻ lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Nơi đây cũng đang chứa những kỷ vật cuối cùng để cho những ai đã biết, đang biết và sẽ biết sự hy sinh quả cảm của những người lính trong trận chiến Gạc Ma 1988.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, những người nằm xuống hiện vẫn còn ở ngoài biển xa. Chúng tôi cảm nhận những liệt sĩ Gạc Ma mỉm cười đối với các đoàn khách ra thăm đảo. Xuất phát từ ý niệm đó, tôi trao đổi với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN để thông qua chủ trương tổ chức cuộc vận động nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa khởi xướng việc kêu gọi xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Từ đó đến nay, khu tưởng niệm trở thành một điểm đến linh thiêng của nhân dân, người thân liệt sĩ Gạc Ma. Nơi đây cũng là địa điểm đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Thống kê của ban quản lý từ khi khánh thành (tháng 7.2017) đến nay đã có hơn 1.500 đoàn đại biểu là thân nhân, quân nhân, học sinh - sinh viên… và nhiều nhất là tổ chức Công đoàn trong cả nước tới đây thắp hương tưởng niệm.

Năm nay, sự kiện Gạc Ma tròn 35 năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức lễ tưởng niệm với nhiều hoạt động tri ân và lan tỏa tinh thần vì chủ quyền biển đảo. Trong đó, hoạt động trồng 64 cây tri ân tượng trưng cho sự hy sinh của 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến sẽ được tổ chức Công đoàn và các đơn vị phối hợp trồng tại khuôn viên khu tưởng niệm để ghi nhớ mốc thời gian 35 năm qua. Hàng nghìn ngọn nến tri ân sẽ được thắp sáng khu mộ gió vào tối 13.3 để tưởng nhớ các chiến sĩ. Đồng thời các đơn vị cũng trao những món quà tri ân đến thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma sinh sống trên địa bàn Khánh Hòa, những suất học bổng động viên con em khó khăn vươn lên. Đặc biệt là hàng nghìn lá cờ Tổ quốc sẽ được trao cho ngư dân.

Nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma, từ ngày 1-14.3, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng phối hợp với LĐLĐ các tỉnh trực tiếp đến thăm và trao 192 triệu đồng hỗ trợ thân nhân 64 gia đình Anh hùng Liệt sĩ Gạc Ma (mỗi gia đình 3 triệu đồng).

Có thể bạn quan tâm