Kông Chro: Giá bí đỏ giảm mạnh, nông dân lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên gần 1 tháng nay, giá bí đỏ liên tục giảm, việc tiêu thụ cũng khó khăn khiến nhiều nông dân ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) lo lắng.

Nông dân thua lỗ

Vụ Đông Xuân 2020-2021, gia đình ông Đinh Văn Bảo (làng Chiêu Liêu, xã An Trung) trồng gần 3 ha bí đỏ giống hồ lô. Cách đây hơn 10 ngày, ông thu hoạch 1 ha được 16 tấn quả, trong đó có gần 10 tấn đạt loại 1, còn lại là loại 2. Thương lái mua bí loại 1 với giá 2.000 đồng/kg, loại 2 là 500 đồng/kg.

Ông Bảo cho hay: “Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch, chi phí đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/ha mà giờ thu được hơn 22 triệu đồng/ha, tính ra lỗ nặng”.

Bà Vũ Thị Vui (làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro) chưa thu hoạch bí đỏ để chờ tăng giá. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Vũ Thị Vui (làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro) chưa thu hoạch bí đỏ để chờ tăng giá. Ảnh: Ngọc Minh


Hơn 3 sào bí đỏ của gia đình bà Vũ Thị Vui (làng Kươk, xã Sró) đã đến kỳ thu hoạch. Nhưng thấy giá bí xuống thấp nên bà vẫn để ngoài ruộng. Bà Vui chia sẻ: “Nếu giá bí tăng lên mức 6 ngàn đồng/kg thì mỗi sào cũng lãi được 4 triệu đồng. Nhưng giờ giá đã giảm, lại ít người mua nên tôi để thêm vài bữa nữa. Nếu không thấy khả quan, tôi sẽ thu hoạch rồi bỏ vào kho bảo quản, bán được thì mừng, bằng không để làm thức ăn cho gia súc”.

Vừa bán gần 30 tấn bí đỏ cho thương lái, ông Đinh A Rơh (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) thu về 34 triệu đồng, chỉ bằng một nửa chi phí đầu tư. Ông buồn bã nói: “Tôi nhờ nhiều người mới tìm được thương lái ở huyện Đak Pơ vào mua. Quả bí tuyển chọn hàng loại 1, họ trả 1.500 đồng/kg, loại 2 là 400 đồng/kg. Giá đã rẻ, họ còn lựa rất kỹ. Số tiền bán bí chỉ vừa đủ chi phí giống, phân bón”.

Ông Phạm Huy Vân-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning-cho biết: “Những ngày này, bà con tập trung thu hoạch bí vụ Đông Xuân 2020-2021. Do thời gian quả bí đỏ để trên ruộng được lâu hơn so với các loại rau củ quả khác nên khi giá bí xuống thấp, nhiều hộ dân thu hoạch cầm chừng hoặc đã thu hoạch về nhà thì bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng đãng, đợi giá lên”.  

Khó khăn về đầu ra

Theo nhiều nông dân huyện Kông Chro, phần lớn bí đỏ được thương lái ở thị xã An Khê và huyện Đak Pơ thu mua. Đầu mùa, thương lái mua bí non còn cuối vụ thì thu mua bí già cung ứng cho các chợ đầu mối ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ mặt hàng này bị thu hẹp khiến đầu ra sản phẩm gặp khó khăn.

 Cơ sở thu mua bí của Đoàn Văn Cân (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) đang tồn hàng trăm tấn bí đỏ. Ảnh: Ngọc Minh
Cơ sở thu mua bí của ông Đoàn Văn Cân (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) đang tồn hàng trăm tấn bí đỏ. Ảnh: Ngọc Minh

Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện Kông Chro trồng được 261 ha bí đỏ. Trong đó, xã Đak Kơ Ning có 65,4 ha, Yang Nam 49 ha, Yang Trung 34 ha, Chơ Long 30,4 ha, Đak Pơ Pho 15 ha, Sró 18 ha, Ya Ma 10,8 ha, Đak Song 13,4 ha, Kông Yang 10 ha, Đak Tơ Pang 8 ha và An Trung 7 ha.

Ông Đoàn Văn Cân (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) kể: “Thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi thu mua bí đỏ với giá dao động 10-14 ngàn đồng/kg và bán lại rất thuận lợi. Hồi đầu năm 2021, việc buôn bán còn được. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi chỉ bán được vài tạ/ngày, giảm 10 lần so với trước đó. Hiện nay, tôi còn tồn hơn 400 tấn bí đỏ hồ lô và bí đỏ bánh xe. Loại bí bánh xe, tôi thuê người bổ lấy hạt còn vỏ bán làm thức ăn cho gia súc. Mong dịch sớm được đẩy lùi để giao thương buôn bán tốt hơn”.

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-thông tin: “Năm 2020, giá bí đỏ ở mức cao. Thấy vậy, vụ Đông Xuân 2020-2021, bà con mở rộng diện tích. Thời tiết thuận lợi, năng suất bí đỏ đạt cao, nguồn cung dồi dào trong khi việc tiêu thụ gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chính là nguyên nhân khiến giá giảm mạnh.

Trước tình hình giá cả bấp bênh, Phòng phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân giảm diện tích gieo trồng cây bí trong vụ mùa, không trồng ồ ạt cùng lúc; liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nhằm giảm thiệt hại cho người dân; khuyến khích các hợp tác xã tìm kiếm thị trường mới, tìm đầu ra cho sản phẩm”.
 

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.