Kiev muốn kết thúc chiến tranh, Nga tuyên bố Trung Quốc không liên quan xung đột Nga- Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hãy biến mùa thu này thành thời điểm để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine và khôi phục lại hòa bình", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức mới đây.
Tổng thống Zelensky. Ảnh: Reuters

Tổng thống Zelensky. Ảnh: Reuters

Để tuyên bố trên thành sự thật, theo ông Zelensky, Ukraine cần "nhanh chóng sản xuất vũ khí" dưới sự giúp đỡ của các nước phương Tây, đồng thời gây sức ép buộc Nga đồng ý chấm dứt xung đột.

Nhà lãnh đạo Ukraine thúc giục các nước NATO gây sức ép với Moscow nhằm đạt được sự đồng thuận song phương trên các điều khoản hòa bình mà Kiev đưa ra vào mùa thu năm nay.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sản xuất vũ khí, khẳng định Mỹ đang "làm việc với Ukraine để thiết kế và chế tạo hệ thống thay thế cho tên lửa đất đối không S-300 và tên lửa không đối không R-27". Washington đã dành ra hơn 200 triệu USD để mua "các thành phần quan trọng" cho phép Ukraine chế tạo các máy bay không người lái (UAV) và hệ thống tác chiến điện tử.

Ông Putin cũng cho biết Nga sẵn sàng mở lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng chỉ theo các điều khoản của riêng mình. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Moscow cần vô hiệu hóa các nỗ lực của Ukraine nhằm "làm mất ổn định tình hình" ở Kursk và các khu vực biên giới khác trước khi hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Nga tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của mình với những điều kiện rõ ràng và kiên quyết. Trong một tuyên bố hồi tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất một giải pháp hòa bình, trong đó điều kiện tiên quyết là Ukraine từ chối gia nhập NATO và rút quân khỏi các khu vực mà Nga đang kiểm soát ở miền Đông Ukraine, tuy nhiên Kiev đã từ chối.

Lập trường của Nga về xung đột với Ukraine đã trở nên cứng rắn hơn sau các sự kiện quân sự gần đây. Tổng thống Putin cho rằng không còn gì để đàm phán với Kiev, do Ukraine từ chối mọi đề xuất hòa bình từ phía Nga và các nhà hòa giải quốc tế.

Kiev đang phải đối mặt với tình thế khó khăn trên chiến trường trong những tháng gần đây, khi quân đội Nga liên tục giành được lợi thế ở Donbass và tiến sát về thành phố Pokrovsk.

Với hy vọng buộc Moscow phải rút hầu hết quân lính khỏi Donbass, Ukraine đã phát động một tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga hôm 6/8, chiếm được một số ngôi làng và thị trấn biên giới Sudzha. Tuy nhiên, những bước tiến của Nga trên đất Ukraine vẫn chưa dừng lại.

Mới đây trước thông tin Trung Quốc có thể gây sức ép với Nga để đạt được hòa bình với Ukraine, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói mối quan hệ Nga-Trung không liên quan trực tiếp đến xung đột ở Ukraine, mặc dù phương Tây kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò then chốt.

Những tuyên bố của ông Lavrov không chỉ bác bỏ thông tin về áp lực từ Trung Quốc mà còn củng cố quan điểm rằng Nga không có ý định nhượng bộ trước những đòi hỏi của Ukraine và phương Tây. Việc Trung Quốc không ép buộc Nga cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn dựa trên lợi ích chung và tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, bất chấp áp lực từ quốc tế.

Hiện tại, các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Nga và Ukraine đang diễn ra để giành quyền tiếp cận Pokrovsk, một thành phố quan trọng ở Donbass, cách Donetsk khoảng 60 km về phía Tây Bắc.

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngày 7/9, báo cáo rằng lực lượng của họ đã chiếm được sáu khu định cư ở Donetsk trong tuần qua và sử dụng vũ khí chính xác tầm xa như tên lửa siêu thanh Kinzhal cũng như thiết bị bay không người lái tiến hành 17 cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNN hôm 6/9, tướng Syrsky cho biết quân đội Ukraine tập trung lực lượng dự bị ở khu vực Pokrovsk và đang giữ vững vị trí của mình, khiến tốc độ tấn công của Nga chậm lại.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.