Đằng sau tuyên bố đưa chiến tranh đến lãnh thổ Nga của tổng thống Zelensky

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ukraine đã có những quyết định bất ngờ khi tấn công sang lãnh thổ Nga, cả ở Moscow. Quyết định này nhằm phân tán lực lượng và suy giảm sức mạnh của Nga, tạo lợi thế cho cuộc xung đột. Kiev cũng đồng thời thúc đẩy đồng minh cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Zelensky. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Zelensky. Ảnh: Getty Images

Ngày 1/9, thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin thông báo 1 máy bay không người lái (UAV) đã bị phá hủy ở khu vực xung quanh Moscow.

Đồng thời, thống đốc vùng Bryansk, Alexander Bogomaz cũng cho biết ít nhất 12 UAV do Ukraine phóng cũng đã bị phá hủy ở vùng biên giới Bryansk ở phía tây nam Nga.

Tại mặt trận Kursk, các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn diễn ra. Bộ Quốc phòng Nga hôm 31/8 cho biết nỗ lực của các đơn vị lực lượng vũ trang Ukraine nhằm tấn công theo hướng các khu định cư Korenevo và Malaya Loknya đã bị ngăn chặn.

Trước đó, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 27/8 tuyên bố Kiev kiểm soát hơn 1.290km2 và 100 khu định cư trên lãnh thổ Nga. Ukraine cũng kiểm soát thị trấn Sudzha cách biên giới với Ukraine 10km, trong khi thành phố Kursk cách Sudzha 85km về phía đông bắc.

Trong bài phát biểu vào tối 31/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine đang tiếp tục đưa chiến tranh đến lãnh thổ Nga.

"Với Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi, chúng tôi đã thảo luận về các chi tiết trong các hoạt động tấn công của chúng tôi tại tỉnh Kursk. Chúng tôi đang tiếp tục bổ sung kho trao đổi tù binh của Ukraine và đưa chiến tranh đến lãnh thổ Nga", ông Zelensky nói.

Tổng thống Zelensky thừa nhận giao tranh khốc liệt đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, khi Nga dồn dập tiến công ở mặt trận này.

Theo Tổng thống Zelensky, "điều quan trọng nhất hiện nay là gây ra thiệt hại lớn nhất cho lực lượng Nga và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Nga".

Vùng Belgorod, Bryansk và Kursk, các khu vực của Nga có chung biên giới với Ukraine, đã bị lực lượng Kiev tấn công gần như hàng ngày.

Kiev cho biết các cuộc không kích nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng, giao thông và quân sự, vốn là nguồn lực quan trọng cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Giới chức Ukraine tuyên bố các cuộc tấn công vào biên giới Nga cũng nhằm ngăn chặn Moscow tấn công lãnh thổ Ukraine.

Để đạt được mục tiêu, Tổng thống Ukraine đã gia tăng áp lực lên Mỹ cho phép Kiev tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga sau khi các đại diện của ông gặp các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington ngày 31/8.

Theo CNN, trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với nước này trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi đã giải thích về loại vũ khí mà chúng tôi cần để bảo vệ người dân khỏi hành động của người Nga”, ông khẳng định.

Washington đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ năm 2022, nhưng hạn chế việc sử dụng vũ khí của mình trên đất Ukraine và các hoạt động phòng thủ xuyên biên giới.

Tổng thống Ukraine cho biết các vụ tấn công bằng bom dẫn đường trên không do Moscow tiến hành đã giết chết 6 người và làm bị thương 97 người ở Kharkiv hôm 30/8, nhiều cuộc tấn công khác diễn ra ngày 31/8. Những điều này chỉ có thể được ngăn chặn “bằng cách tấn công các sân bay, các căn cứ và hậu cần quân sự của Nga”, theo ông Zelensky.

Khi kêu gọi các nước như Mỹ, Anh, Pháp và Đức ủng hộ, ông Zelensky cho rằng “Ukraine cần có khả năng thực sự và đầy đủ để bảo vệ chính Ukraine và người dân Ukraine”, “cần cả sự cho phép việc sử dụng vũ khí tầm xa, đạn pháo cũng như tên lửa tầm xa” của các nước này.

Hiện tại, Mỹ không có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa lục quân (ATACMS).

Trong khi đó, EU và các quốc gia thành viên cũng cân nhắc và cho rằng không cần hạn chế Ukraine sử dụng các loại vũ khí được cung cấp, bao gồm các hệ thống vũ khí tầm xa, tên lửa hoặc thiết bị bay không người lái.

Trả lời phỏng vấn tờ Welt (Đức) ngày 31/8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lần đầu lên tiếng về cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga hồi đầu tháng, nói rằng hành động của Ukraine là hợp pháp và nằm trong quyền tự vệ của Kiev.

“Ukraine có quyền tự vệ và theo luật pháp quốc tế, quyền này không dừng lại ở biên giới"- ông Stoltenberg nói, lưu ý rằng NATO không được thông báo trước về các kế hoạch của Ukraine và không tham gia vào các kế hoạch đó.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.