Không bổ sung quy hoạch vùng trời, không gian ngầm dưới lòng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 24-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch với tỷ lệ tán thành 88,19% (tương ứng với 433/455 đại biểu tham gia biểu quyết).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung "quy hoạch vùng trời", "quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất" vào hệ thống quy hoạch.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Biên giới quốc gia đã khẳng định biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của Việt Nam.

Ông Thanh nêu rõ: Các khái niệm quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đều được định nghĩa theo hướng là việc phân vùng và liên kết vùng, chia sẻ sử dụng không gian mang tính chiến lược và thống nhất, trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và không gian vùng trời của lãnh thổ quốc gia.

Riêng đối với vùng trời ở một độ cao nhất định còn chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung thêm quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, ông Vũ Hồng Thành trình bày.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Về điều chỉnh quy hoạch, có ý kiến đồng tình với quy định cho phép quy hoạch thấp hơn điều chỉnh trước quy hoạch cao hơn và việc điều chỉnh này có thể ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn sau khi đã xin chủ trương của cơ quan quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cao hơn. Quy định này bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp quy hoạch cấp dưới cần phải điều chỉnh, có thể ảnh hưởng tới quy hoạch cấp trên mà quy hoạch cấp trên chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số ý kiến đề nghị không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm tính nguyên tắc và kỷ luật trong hệ thống quy hoạch quốc gia, dự thảo Luật Quy hoạch không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các căn cứ điều chỉnh quy hoạch có sự chồng chéo và khó áp dụng trên thực tế.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Việc quy định các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch vừa cần bảo đảm linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển vừa phải chặt chẽ để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đây chỉ là các căn cứ để điều chỉnh, còn việc điều chỉnh phải tuân thủ các điều kiện và trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Về cơ bản, cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch có quyền điều chỉnh quy hoạch thấp hơn trước mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch cao hơn khi phát sinh các điều kiện trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp cao hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giải trình.

Trần Ngọc/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...