Khó khăn khi thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cộng đồng doanh nghiệp Gia Lai đề nghị UBND tỉnh Gia Lai thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên đến nay, quỹ này vẫn chưa được thành lập bởi nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai-cho biết: “Có tới 97% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đều muốn được hỗ trợ về vốn để hoạt động. Vì vậy, trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại với tỉnh, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng có quỹ này nhưng thủ tục rất rườm rà nên các doanh nghiệp khó tiếp cận”.

Nhiều doanh nghiệp muốn tỉnh thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để được hỗ trợ vốn. Ảnh: H.D
Nhiều doanh nghiệp muốn tỉnh thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để được hỗ trợ vốn. Ảnh: H.D



Sở dĩ tỉnh ta chưa thành lập được Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bởi còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Để thành lập được Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nguồn tiền rất lớn và phải có nguồn bổ sung liên tục. Theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập tối thiểu là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải có phần đóng góp nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, vốn hạn chế, còn các doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc tự nguyện góp vốn tạo quỹ có lẽ rất khó”.
 

Theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ đang rất nỗ lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, trong đó có việc ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP.

Nghị định này được đánh giá là có nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo lãnh tín dụng.

Theo đó, đối tượng được bảo lãnh tín dụng khi có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ Bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên theo Luật Quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp...

Rõ ràng, với những điều kiện trên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Song với quy định muốn thành lập Quỹ, vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập tối thiểu là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp sẽ là “chướng ngại vật” khó vượt qua.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2017, cả nước mới chỉ có khoảng 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng vốn điều lệ ước khoảng 1.600 tỷ đồng và có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Những con số còn khiêm tốn này cho thấy, không chỉ Gia Lai gặp khó khăn trong việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: “Việc thành lập Quỹ ở cấp tỉnh là rất khó nên Sở đã đề nghị cho phép mở văn phòng đại diện của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên để các doanh nghiệp tại khu vực này được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng không được đồng ý. Còn việc thành lập Quỹ cấp tỉnh, có lẽ cần đợi tới thời điểm thích hợp hơn”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.