Kết thúc vụ ép trong tháng 3-2016

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ ép 2015-2016 đã đi được hơn nửa chặng đường. Tình trạng nắng hạn gay gắt và áp lực tranh mua mía từ các doanh nghiệp mía đường ngoài tỉnh khiến doanh nghiệp mía đường và người trồng mía tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh gặp không ít khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN BÁ CHỦ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai về giải pháp khắc phục khó khăn và chia sẻ với nông dân những khó khăn này.

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

* P.V: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà Công ty đang gặp phải và kế hoạch cho đến hết vụ?

- Ông NGUYỄN BÁ CHỦ: Công ty bắt đầu vụ ép từ ngày 30-11-2015 và lũy kế đến nay đã ép được hơn 350.000 tấn mía, tức là đã đi được hơn nửa chặng đường của vụ ép 2015-2016.

Tình trạng tranh mua mía của các nhà máy đường ngoài tỉnh đã gây thất thoát sản lượng mía đầu tư và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Công ty. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mía.

* P.V: Thưa ông, vừa qua xuất hiện thông tin nhà máy gặp sự cố về lò hơi, tua bin phải mất thời gian xử lý và vụ ép kéo dài đến hết tháng 4-2016?

- Ông NGUYỄN BÁ CHỦ: Chúng tôi đã có giải pháp xử lý nhanh và khôi phục ép công suất ổn định lại từ ngày 20-2-2016. Vấn đề tua bin không ảnh hưởng đến công suất ép của nhà máy. Thông tin này chúng tôi đều thông báo rộng rãi đến bà con và chính quyền địa phương.

Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai thực hiện nâng công suất ép mía và thay đổi công nghệ mới nên ít nhiều có ảnh hưởng đến việc vận hành máy móc thiết bị. Tuy nhiên, các vấn đề được nhận diện và có giải pháp xử lý nhanh, đảm bảo công suất ép ổn định. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung khắc phục hầu hết các khuyết điểm và duy trì ép ổn định từ đầu vụ đến nay. Hiện nay, công suất ép bình quân lũy kế lên đến gần 6.000 tấn mía/ngày và có thời điểm ép trên 6.200 tấn mía/ngày (đạt 100% công suất thiết kế).

Theo điều tra nông nghiệp và tình hình ép của nhà máy, chúng tôi dự kiến kết thúc vụ chậm nhất đến ngày 31-3-2016 (sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu). Chúng tôi kêu gọi bà con trồng mía cùng đồng hành với chúng tôi đến hết vụ, không phá hủy hợp đồng và hạn chế tình trạng mía cháy.

* P.V: Hiện tượng El Nino diễn biến ngày càng phức tạp. Vậy Công ty đã có giải pháp gì để cùng nông dân vượt qua khó khăn, thưa ông?

- Ông NGUYỄN BÁ CHỦ: Chúng tôi luôn xem “Nông dân là bạn đồng hành”. Người trồng mía gặp khó khăn thì chúng tôi cũng khó lòng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập do chi phí sản xuất mía cao. Dù sản xuất năm 2015-2016 không thuận lợi, nhưng chúng tôi không những vẫn duy trì mà còn mở rộng chính sách đầu tư cho nông dân. Tình trạng hạn hán kéo dài sẽ khiến mía gốc tái sinh kém và mía trồng mới cũng nảy mầm thấp. Chúng tôi kêu gọi người trồng mía cùng chúng tôi khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới. Theo chủ trương, chúng tôi đầu tư toàn bộ vốn và hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân, chỉ cần bà con đồng ý triển khai là được. Chính sách cụ thể gồm: Đầu tư cho bà con mua máy bơm, thiết bị/dụng cụ tưới, thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ như đào ao, khoan giếng… không tính lãi 2 năm đầu và giảm 50% năm thứ ba. Đầu tư không tính lãi để bà con vận hành tưới với định mức 4.000.000 đồng/ha (thuê nhân công, chi phí nhiên liệu…). Đặc biệt, chúng tôi đầu tư không hoàn lại 2.000.000 đồng/ha đối với các hộ gia đình có triển khai tưới. Theo đó, bà con chỉ cần chịu tưới và cam kết bán mía cho nhà máy thì sẽ nhận ngay 2.000.000 đồng/ha mà không cần trả lại.

Để tiết kiệm nhiên liệu, chúng tôi cũng đang triển khai kéo điện tại vùng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) và làng Pidong (huyện Ia Pa) giúp bà con thuận lợi trong việc bơm tưới mía... Với những chủ trương và chính sách mới này mong bà con nông dân cùng tham gia hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu mía bền vững.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Diệp (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.