Ia Peng phát huy vai trò kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với 3 hợp tác xã (HTX), 2 chi hội, 4 tổ hội nghề nghiệp và 1 nông hội, mô hình kinh tế tập thể tại xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Ngày 25-4 vừa qua, tại buôn Sô Ma Hang B, Hội Nông dân xã Ia Peng tổ chức ra mắt Tổ hội chăn nuôi bò sinh sản và Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần. Đây là cơ hội để hội viên nông dân có cùng sở trường giao lưu, học tập kinh nghiệm, tạo liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Tổ hội sản xuất men rượu cần nhận được nhiều sự kỳ vọng của chính quyền địa phương về cơ hội phát triển, lưu giữ ngành nghề truyền thống của người Jrai đang bị mai một.
 

Ra mắt tổ hội nghề nghiệp men rượu cần xã Ia Peng. Ảnh: Vũ Chi
Ra mắt Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần xã Ia Peng. Ảnh: Vũ Chi


Chị Ksor H'Tét-Tổ phó Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần-cho hay: Rượu cần là sản phẩm đặc trưng mang đậm văn hóa đồng bào Jrai. Trước đây, bà con lên núi tìm rễ cây về làm men rượu. Hiện nay, nhiều người mua men trôi nổi trên thị trường. Điều này khiến chất lượng rượu cần không đảm bảo, uống thường bị đau đầu. Cả buôn chỉ còn vài hộ làm men rượu theo phương pháp truyền thống. Chính vì vậy, Tổ hội nghề nghiệp men rượu cần được thành lập nhằm tập hợp chị em cùng lưu giữ lại phương thức làm men rượu cần của cha ông. “11 thành viên của Tổ hội thống nhất mỗi tháng cùng nhau lên núi một lần để kiếm rễ cây về làm men. Vất vả một chút nhưng rượu cần làm ra sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ được hương vị đặc trưng, tiêu thụ tốt”-chị HTét bộc bạch.

Trong khi đó, tin vui cũng đến với Tổ hội nghề nghiệp trồng thuốc lá khi Hội Nông dân huyện sẽ giải ngân 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam cho 12 thành viên trồng mới thuốc lá trong vụ tới. Ông Trần Văn Tâm-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng thuốc lá-chia sẻ: Các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Thuốc lá là một trong số cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Tuy nhiên, bà con chủ yếu sấy thuốc bằng lò sấy truyền thống nên gặp khó về chất đốt. Vì vậy, các thành viên đã lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư 1 lò sấy bằng điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thành lập năm 2021, HTX Thủy cầm Ia Peng là 1 trong 3 HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn xã Ia Peng. Hiện HTX có 7 thành viên cùng chăn nuôi vịt đẻ và vịt thương phẩm. Các thành viên góp vốn mua 2 máy ấp trứng công suất 18.000 quả/lần và máy nghiền cám để chủ động con giống, thức ăn cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất. Ai có nhu cầu về con giống để nuôi gối đàn thì đăng ký, các thành viên sẽ dồn trứng ấp đủ lứa vịt con, sau đó trả dần. Ngoài ra, các thành viên cũng liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp hội viên yên tâm chăn nuôi. Ông Đào Minh Châu-Giám đốc HTX-cho biết: “Tổng đàn vịt của HTX khoảng 40.000 con, mang lại thu nhập mỗi tháng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho các hội viên. Bên cạnh đó, với mô hình nuôi vịt chạy đồng, HTX vừa có điều kiện nâng cao chất lượng trứng, thịt vịt, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.

 Tổ hội nghề nghiệp trồng thuốc lá xã Ia Peng được hỗ trợ vốn để đầu tư lò sấy thuốc lá bằng điện nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Vũ Chi
Tổ hội nghề nghiệp trồng thuốc lá xã Ia Peng được hỗ trợ vốn để đầu tư lò sấy thuốc lá bằng điện nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Vũ Chi


Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân xã đã thành lập 2 chi hội, 4 tổ hội nghề nghiệp và 1 nông hội trên cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi với 132 thành viên. Nhìn chung, các chi, tổ hội đều hoạt động hiệu quả. Các buổi sinh hoạt định kỳ của chi, tổ hội được tổ chức một cách linh hoạt. Hội Nông dân thường xuyên mời lãnh đạo xã tham dự cùng để các thành viên trình bày đề xuất nguyện vọng trong quá trình sản xuất. Các thành viên cũng tổ chức tham quan những mô hình hay để học tập kinh nghiệm, áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình. Bằng cách đó, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng cao, giúp các thành viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Peng-thông tin: Xác định kinh tế tập thể là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, những năm qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội, tổ hội, nông hội và HTX hình thành và phát triển. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tập hợp nông dân vào các mô hình kinh tế tập thể tạo điều kiện thuận lợi để mọi người giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, liên kết sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tại xã là 41,5 triệu đồng/người/năm. Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành đoàn thể đang tích cực huy động sự chung tay góp sức của người dân để hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2022 theo kế hoạch đề ra.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.