Ia Pa tập trung chống hạn cho lúa Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phần lớn diện tích lúa Đông Xuân của huyện Ia Pa, Gia Lai nằm trong vùng tưới của các công trình thủy lợi vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, một số diện tích không chủ động nước tưới đã bị khô hạn nặng khiến nông dân rất lo lắng.
Canh nước cứu lúa
Hiện nay, nhiều diện tích lúa trên cánh đồng sau lưng thôn Bi A (xã Ia Tul) đã khô rốp. Tại nhiều chân ruộng cao, lúa đã chuyển sang màu vàng quạch vì cháy nắng. Ông Rô Suinh (thôn Blanh, xã Ia Tul) cùng 2 người con rể rải ống máy bơm dài hơn 100 m từ vũng nước cạn để bơm tưới cho đám ruộng hơn 5 sào của gia đình. Ruộng lúa của gia đình ông Suinh gieo sạ đã hơn 1 tháng nhưng mới chỉ cao hơn gang tay, ngả màu vàng vì thiếu nước. Ông Suinh ngán ngẩm cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán đến giờ, tôi phải canh nước bơm tưới đến 3 lần rồi, mỗi lần mất gần 15 lít xăng, hết 300.000 đồng mà lúa vẫn không đủ nước”.
Gần đó, anh Ksor Péo (cùng ở thôn Blanh) cũng đang loay hoay sửa máy bơm để dẫn nước vào ruộng cứu lúa. “Cánh đồng này do người dân 2 xã Ia Broăi và Ia Tul cùng sản xuất. Nhiều ruộng lúa nằm cuối cánh đồng, nước thủy lợi không đến được đã bị hạn nặng. Đã 3 tháng rồi không có mưa, ao hồ cạn nước. Người dân phải tự khoan giếng hoặc dùng máy bơm điện, bơm xăng rồi canh nước mạch rỉ ra từ các hố trũng để dẫn về cứu lúa”-anh Péo nói.
 Cha con ông Rô Suinh kéo ống bơm nước cứu lúa. Ảnh: Đ.P
Cha con ông Rô Suinh kéo ống bơm nước cứu lúa. Ảnh: Đ.P
Đi dọc đường Đông sông Ba lối dẫn qua xã Ia Tul thấy các cánh đồng hai bên chằng chịt dây điện do người dân kéo ra để bơm nước cứu lúa. Hàng loạt giếng khoan ngay trên ruộng do người dân tự làm để lấy nước chống hạn cho lúa cũng đang hoạt động hết công suất. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Khoảng hơn chục héc ta lúa Đông Xuân bị khô hạn là do nằm ngoài vùng tưới của các trạm bơm điện. Diện tích này huyện đã không đưa vào kế hoạch sản xuất nhưng người dân vẫn cứ gieo sạ nên không chủ động được nước tưới và bị khô hạn. 
Tưới luân phiên để tiết kiệm nước
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho hay, vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn huyện gieo sạ được 2.810 ha lúa nước. Trong đó, 1.410 ha lúa ở xã Ia Trok và Ia Ma Rơn chủ động nước tưới từ hệ thống kênh mương thủy lợi Ayun Hạ; 1.400 ha lúa sử dụng nước tưới của 15 trạm bơm điện ở các xã còn lại. Do mùa mưa năm ngoái kết thúc sớm nên dự báo trên địa bàn huyện Ia Pa sẽ gặp nắng hạn vào cuối vụ Đông Xuân. “Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã và khuyến cáo nông dân xuống giống lúa Đông Xuân sớm 1 tháng so với lịch sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra. Cùng với đó, đây là năm đầu tiên huyện xây dựng lịch bơm tưới luân phiên cho 15 trạm bơm điện trên địa bàn để chủ động nguồn nước tưới và tiết kiệm nước. Nhờ đó, đến nay, hầu hết diện tích lúa nằm trong kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân của huyện đang phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn trổ đòng”-ông Hùng nói.
Về một số diện tích lúa thiếu nước tưới cục bộ, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Toàn xã có 320 ha lúa nước được tưới bởi 3 trạm bơm điện. Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, mất 2-3 ngày các công trình thủy điện ở đầu nguồn sông Ba không xả nước nên mực nước sông xuống thấp, các trạm bơm không hoạt động được, gây nên tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Sau đó, khi thủy điện ở thượng nguồn xả nước thì đất cát bồi lấp đầu hút khiến trạm bơm số 2 phải dừng hoạt động để khắc phục. Xã đang chuẩn bị thuê máy múc nạo vét để dẫn nước vào trạm bơm số 2 tưới cho 67 ha lúa đang làm đòng. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 40-50 ha lúa Đông Xuân ở vùng cao, cuối kênh trạm bơm số 1 và số 2 báo động sẽ thiếu nước tưới trong vài ngày tới.
Vụ sản xuất Đông Xuân ở Ia Pa cũng như các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đang gặp những bất lợi từ thời tiết. Nếu trời nắng nóng kéo dài thì dự báo đến cuối vụ, khả năng sẽ thiếu nước tưới, nhiều diện tích cây trồng sẽ bị khô hạn.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh Hà Duy

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ

(GLO)- Chiều 26-3, đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng; khảo sát núi Chư Nâm và thăm cán bộ cùng người dân làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh).