Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học tỉnh Gia Lai: Bổ ích, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên được tổ chức theo Thông tư số 22/TT-BGDĐT ngày 20-12-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học tỉnh Gia Lai năm học 2020-2021 đã thành công. Sau 5 ngày tranh tài, các thầy-cô giáo đã chứng tỏ năng lực chuyên môn với nhiều tiết dạy chất lượng cao.
Hội thi năm nay quy tụ 214 giáo viên xuất sắc đại diện cho hơn 7.500 giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh. Trong đó, có 6 giáo viên người dân tộc thiểu số, 43 giáo viên dạy lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, 16 giáo viên Âm nhạc, 14 giáo viên Mỹ thuật và 11 giáo viên Thể dục.
Các giáo viên tranh tài ở 2 phần thi: trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thực hành tiết dạy. Theo quy định tại Thông tư số 22, biện pháp dùng để đăng ký dự thi phải được áp dụng lần đầu; nội dung thi thực hành cũng phải được tổ chức lần đầu tại lớp với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó, giáo viên không được dạy thử và thời gian chuẩn bị các điều kiện thi thực hành không quá 2 ngày trước thời điểm thi.
Tuy có hơi bỡ ngỡ trước những yêu cầu mới, nhưng nhiều giáo viên cho rằng, chính sự thay đổi này đã phản ánh thực chất năng lực chuyên môn nghiệp vụ của thầy-cô giáo và lực học của học sinh. Sau 5 ngày tranh tài (từ 27-3 đến 1-4), 100% giáo viên dự thi đã xuất sắc vượt qua phần thi trình bày biện pháp; 207 giáo viên đạt yêu cầu ở phần thi thực hành 1 tiết dạy.
Cô Trần Thị Kim Hòa (bên phải; giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang) nhận giải xuất sắc tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Cô Trần Thị Kim Hòa (bên phải; giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang) nhận giải xuất sắc tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Đến từ vùng căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang), cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám đã chứng tỏ năng lực sư phạm của mình với giải xuất sắc tại hội thi. Suốt 8 năm giảng dạy tại ngôi trường vùng khó, cô Hòa luôn nỗ lực tìm kiếm phương pháp để giúp học trò sớm đọc thông viết thạo. Và cuối cùng, cô đã rất thành công khi sử dụng truyện tranh để thúc đẩy tốc độ đọc trơn của học sinh.
Cô Hòa mang biện pháp này đến hội thi cấp tỉnh và nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo. Phần thi thực hành tiết dạy cũng được cô thực hiện khá tốt theo định hướng phát triển năng lực học sinh. “Tôi rất bất ngờ với kết quả đạt được vì mình là một giáo viên công tác ở vùng III, lại trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Cảm ơn Ban tổ chức đã tạo cơ hội cho chúng tôi được giao lưu, học hỏi và thể hiện năng lực bản thân”-cô Hòa phấn khởi nói.
Theo Thông tư số 22/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm nay có nhiều điểm mới như: không hạn chế số lượng đăng ký dự thi; dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; nội dung thi phong phú, đa dạng, bảo đảm khá đầy đủ các hoạt động giáo dục. Qua hội thi, Ban tổ chức đã xét công nhận 207 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021; đồng thời, trao 1 giải xuất sắc, 6 giải nhất, 8 giải nhì, 10 giải ba và 182 giải khuyến khích cho các giáo viên.
Tương tự, chỉ với 4 năm vào nghề, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên-giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được xem là người “non” kinh nghiệm nhất tại hội thi. Để tranh tài cùng những đồng nghiệp có thâm niên trên bục giảng, cô Liên phải cố gắng giữ bình tĩnh và vận dụng tất cả kiến thức cũng như kỹ năng bản thân tích lũy được để thể hiện.
“Khi biết mình đạt giải nhì, tôi vỡ òa cảm xúc. Không chỉ là vinh dự của bản thân, kết quả này còn góp phần vào thành tích chung của đoàn An Khê. Đây là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trên con đường mà mình đã chọn”-cô Liên bày tỏ.
Bên cạnh những phần thể hiện xuất sắc, hội thi lần này còn để lại nhiều ấn tượng bởi sự tham gia của một số trường hợp “đặc biệt”. Đó là các thầy-cô giáo đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia, phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hay là những gia đình đồng lòng nắm tay nhau đến với hội thi để khẳng định bản thân. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lê (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cùng chồng là thầy Lê Văn Khởi (Trường Tiểu học Nay Der, phường Đoàn Kết) là một trong số đó.
Cô Lê chia sẻ: “Tôi là giáo viên dạy lớp 1, còn anh Khởi là giáo viên Thể dục. Khi biết có hội thi, chúng tôi cùng nhau đăng ký tham gia. Trong suốt thời gian thi, chúng tôi phải gửi đứa con trai đầu học lớp 2 cho người thân và đưa con nhỏ 2 tuổi theo lên TP. Pleiku rồi thay nhau chăm sóc. Tuy hơi vất vả nhưng rất mừng là cả hai vợ chồng đều đạt được mục tiêu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.
Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lê-Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) luôn đồng hành cùng nhau tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lê-Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) luôn đồng hành cùng nhau tại hội thi. Ảnh: Mộc Trà
Theo đánh giá của Ban tổ chức, tất cả các phần thi đều được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc và đúng quy chế. Giáo viên dự thi khá tự tin, có tác phong sư phạm mẫu mực, đầu tư nghiên cứu có tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả. Nhiều tiết dạy được chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng về giáo án và đồ dùng dạy học; sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học; áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một cách nhuần nhuyễn. 
Phát biểu tại lễ bế mạc hội thi, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT), Phó Trưởng ban tổ chức, Phó Trưởng ban giám khảo-đánh giá: Hội thi là hoạt động rất bổ ích và ý nghĩa đối với giáo viên. Đây là cơ hội tốt để các thầy-cô giáo rèn đức, luyện tài, đổi mới phương pháp dạy học, cải thiện chất lượng giờ lên lớp. Mặt khác, hội thi cũng là căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ; từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).