Hội nghị XTĐT tại TP.Hồ Chí Minh: Kỳ vọng đột phá thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mai (23-11), Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ có sự tham dự của 60 doanh nghiệp nước ngoài và 80 doanh nghiệp trong nước. Điều này tạo nên kỳ vọng bứt phá về thu hút đầu tư vào Gia Lai.  
Nhiều nhà đầu tư tiềm năng
Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 16 khoa chuyên ngành với khoảng 20.000 sinh viên. Ngôi trường này được xếp vào tốp 2 đại học tốt nhất Việt Nam về tổng thể, tốp 250 đại học phát triển bền vững nhất thế giới và là một trong những đơn vị dẫn đầu hệ thống giáo dục đại học nước ta về công bố khoa học... Trường cũng đã được chứng nhận xếp hạng 4 sao theo QS Stars University Ratings (Vương quốc Anh), trong đó, các tiêu chí về chất lượng đào tạo, quốc tế hóa, cơ sở vật chất, tính toàn diện được đánh giá với điểm số tuyệt đối. Đồng thời, đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được xếp hạng 4/5 sao của tổ chức QS Stars.
Doanh nghiệp Gia Lai được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017. Ảnh: H.D
Doanh nghiệp Gia Lai được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017. Ảnh: H.D
Đó là lý do để UBND tỉnh chọn Trường Đại học Tôn Đức Thắng để ký kết chương trình hợp tác ở 3 lĩnh vực chính là: hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh; hợp tác về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và hợp tác tư vấn, xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Ở hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, theo kế hoạch, bên cạnh việc hỗ trợ Gia Lai về địa điểm, công tác tổ chức, các khâu phục vụ hậu cần... nhờ vào mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ trong và ngoài nước, Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn mời 60 doanh nghiệp nước ngoài và 20 doanh nghiệp trong nước tham dự.
Xung quanh vấn đề chọn địa điểm cũng như các doanh nghiệp khách mời tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-lý giải: “Thay vì tổ chức hội nghị ở Gia Lai như mọi khi, tỉnh quyết định tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh để những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh có cơ hội tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư lớn, có quy mô ở khu vực, từ đó sẽ tăng cơ hội thu hút đầu tư cho tỉnh. Hội nghị lần này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng mời rất nhiều doanh nghiệp lớn mà nếu tổ chức ở Gia Lai sẽ rất khó mời họ về bởi điều kiện cơ sở vật chất, lưu trú… tại tỉnh chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Điều này cũng đồng thời cho thấy trong tương lai, muốn thu hút được đa dạng khách du lịch cũng như các nhà đầu tư lớn, tỉnh cần phải có những điều kiện nhất định, ví dụ như cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao”.
Thu hút đầu tư du lịch và công nghiệp chế biến
Trước đây, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Gia Lai chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản sẵn có, như: sản xuất đá granite, thủy điện hay trồng cao su... Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản của tỉnh đang ngày càng cạn kiệt. Do vậy, gần đây, tỉnh đã tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và du lịch. Đây cũng chính là những lĩnh vực được tỉnh tiếp tục chú trọng giới thiệu, mời gọi tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, nhất là du lịch và công nghiệp chế biến.
Doanh nghiệp đến khảo sát thác ba tầng ở Kbang để đầu tư du lịch. Ảnh: Hoàng Linh
Doanh nghiệp đến khảo sát thác ba tầng ở Kbang (Gia Lai) để đầu tư du lịch. Ảnh: Hoàng Linh
Theo danh mục 11 dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2021, có 4 dự án thuộc lĩnh vực du lịch là khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya với tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng; điểm du lịch hồ Ia Ly (huyện Chư Pah) có tổng mức đầu tư dự kiến là 100 tỷ đồng và khu dịch vụ-du lịch, khách sạn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) với tổng mức đầu tư dự kiến là 120 tỷ đồng. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phấn đấu tỉnh đặt ra trong Kế hoạch 847/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mà cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, Gia Lai sẽ đón 400.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động, xây dựng tỉnh trở thành điểm du lịch quan trọng của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam…
Tại hội nghị, còn có 4 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu được tỉnh kêu gọi đầu tư gồm: Nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả (Cụm Công nghiệp xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa); Nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh học (Cụm Công nghiệp xã Ia Khươl, huyện Chư Pah); Nhà máy sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su và Nhà máy chế biến súc sản (Khu Công nghiệp Nam Pleiku).  
Với những tiềm năng, thế mạnh vượt trội cùng những nỗ lực trong cải cách hành chính, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của tỉnh, tin rằng sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh sẽ tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ hơn.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...