Học sinh hào hứng với bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân là dự án sách do Cộng đồng Sống tử tế (Công ty cổ phần Tư vấn Giáo dục Bách khoa, TP. Hồ Chí Minh) biên soạn. Năm 2020, thư viện Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh Gia Lai cập nhật bộ sách này tới học sinh toàn trường và được các em đón nhận rất tích cực. 
Cô Đinh Thị Phương Chi-giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Trường Chinh), đại sứ kết nối chương trình “Gieo hạt cho em” của dự án sách Gieo hạt cùng vĩ nhân tại Gia Lai-cho biết: Bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân là một trong những dự án lớn của Cộng đồng Sống tử tế được bắt tay thực hiện từ năm 2018. Bộ sách này hiện có 14 quyển kể về 100 câu chuyện có thật của các vĩ nhân trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, sách còn biên soạn 3 cuốn riêng theo chủ đề: gia đình, sức khỏe và môi trường.
"Tôi cho rằng đây là bộ sách giúp phát triển tư duy sâu sắc theo hướng: nguyên nhân-kết quả. Nó giúp các em học sinh nhìn thấy rõ những hành động đã làm hôm nay sẽ dẫn đến kết quả thế nào trong tương lai nên sẽ giúp các em dễ dàng điều chỉnh nhận thức và hành vi. Với tinh thần: nuôi dưỡng đạo đức-trau dồi trí tuệ-rèn luyện nghị lực, bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân sẽ giúp học sinh ở nhiều lứa tuổi hình thành nhân cách đẹp”-cô Chi đánh giá.
Cô Đinh Thị Phương Chi lắng nghe chia sẻ của học sinh về sách Gieo hạt cùng vĩ nhân trong một tiết học. Ảnh Nguyễn Giang.JPG
Cô Đinh Thị Phương Chi lắng nghe chia sẻ của học sinh về bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân trong một tiết học. Ảnh: Nguyễn Giang
Em Nguyễn Văn Hiệp (lớp 11A4) chăm chú đọc câu chuyện “Món quà cho bà” kể về Isaac Newton (một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh. Ông được xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng khoa học-P.V). Câu chuyện kể về cuộc sống của Newton khi còn nhỏ sống cùng bà ngoại. Mỗi khi bà cho gà ăn, cậu bé Newton đều quan sát rất kỹ nên cậu nhận ra thóc bị vung vãi khắp nơi, lấm cả bùn đất.
Nhờ chịu khó quan sát và suy nghĩ, Newton đã làm ra một chiếc máng cho gà ăn bằng gỗ tặng bà, giúp bà tiết kiệm thóc và thời gian. Từ những lợi ích đó, sáng kiến này của Newton nhanh chóng lan rộng ra cả làng. Được bà và mọi người khen ngợi, khích lệ, cậu bé Newton sau đó đã phát minh ra thêm nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống và được mệnh danh là cậu bé có bàn tay vàng.
Hiệp nói: “Em thích học vật lý nên Newton là nhân vật em rất quan tâm. Do đó, những mẩu chuyện kể về thời thơ ấu của ông khiến em rất thích thú. Đặc biệt, bài học đúc kết cuối câu chuyện giúp em thấy rõ ý nghĩa của việc tuổi nhỏ làm việc nhỏ, học cách quan sát việc của người khác và mong muốn giúp đỡ họ là bí quyết để phát triển khả năng sáng tạo và trở thành người có ích cho xã hội”.
Ngoài ra, Hiệp cho rằng những câu hỏi tư duy cuối câu chuyện giúp các em nhìn sâu được nguyên nhân-kết quả: biết quan sát, trăn trở, giúp người thì kết quả sẽ trở thành người tài giỏi, có ích cho xã hội và được mọi người yêu quý giống như Newton.
Còn em Nguyễn Thị Phương Anh (lớp 10A2) thì học được những phẩm chất quan trọng để tạo dựng và giữ gìn tình bạn đẹp qua những câu chuyện và tình huống đạo đức. “Bộ sách có nhiều câu chuyện giúp em nuôi dưỡng đạo đức, rèn luyện tính cách như không nói xấu người khác, không nghe một phía mà phải thẳng thắn, chính diện, nói và học tập những điều tốt đẹp của mọi người”-Phương Anh bày tỏ.
Bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân như một làn gió mới thu hút học sinh Trường THPT Trường Chinh đến thư viện. Ảnh Nguyễn Giang.JPG
Bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân như một làn gió mới thu hút học sinh Trường THPT Trường Chinh đến thư viện. Ảnh: Nguyễn Giang
Nói thêm về ý nghĩa của bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân, cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh-nhận xét: “Bộ sách tập hợp rất nhiều câu chuyện hay về các vĩ nhân trong nước và thế giới với điều đáng quý chung là tất cả họ đều muốn cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội. Họ đã kiên trì không ngừng nghỉ để vượt qua khó khăn, thất bại. Từ ý nghĩa đó, tôi mong muốn tinh thần của bộ sách sẽ tiếp thêm lòng quyết tâm, nghị lực cho học sinh. Đặc biệt, tôi kỳ vọng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn muốn nghỉ học để đi làm kinh tế sớm sẽ được bộ sách này thắp lửa khát khao học tập khi các em thấy được rằng những vĩ nhân cũng đã miệt mài học tập từ những điều kiện khó khăn như Vua Lý Công Uẩn, Newton, Pascal…”. 
Các em học sinh sau khi đọc xong sách sẽ viết cảm nhận và gián vào cây gieo hạt. Ảnh Nguyễn Giang
Các em học sinh sau khi đọc xong sách sẽ viết cảm nhận và dán vào cây gieo hạt. Ảnh: Nguyễn Giang
Không chỉ để học sinh đọc trong thư viện, bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân được Trường THPT Trường Chinh dùng trong buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, lồng ghép vào các tiết Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân.
Cô Đinh Thị Phương Chi cho biết thêm: “Tôi nhận thấy học sinh rất hào hứng đón nhận. Cuối mỗi buổi đọc, các em thảo luận, trả lời những câu hỏi tư duy ngay dưới mỗi câu chuyện. Qua đó, các em nhận thấy giá trị nhân-quả của mỗi hành động và lời nói để tự điều chỉnh mình. Bên cạnh đó, bộ sách này chính là nguồn tài liệu quý giá để các em áp dụng, minh họa vào nhiều bài văn phân tích, nghị luận xã hội, bồi dưỡng cho các em những giá trị sống tốt đẹp”.
Dành riêng một góc ngay bàn đọc trung tâm cho bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân, thư viện Trường THPT Trường Chinh đang thu hút nhiều học sinh đến tìm đọc. “Bộ sách Gieo hạt cùng vĩ nhân giống như một làn gió mới mới thu hút học sinh tìm đọc và để lại nhiều dòng cảm nhận hay. Nhiều thầy-cô giáo cũng quan tâm đến bộ sách này, dành thời gian đọc trọn bộ và đặt sách về tặng các con. Tôi cảm thấy rất vui khi Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cập nhật sách hay, mới mẻ để thư viện trường trở nên thực sự bổ ích. Việc học sinh yêu thích và tự giác tìm đến thư viện còn là yếu tố quan trọng để chúng tôi phát triển văn hóa đọc trong trường học”-cô Phạm Dạ Thảo-nhân viên thư viện nhà trường vui mừng nói.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.