Hàng rong bủa vây cổng trường - Kỳ 1: Bất an nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng rong, điểm kinh doanh tự phát, luôn thu hút rất đông học sinh ở hầu hết khu vực cổng trường ở TP.HCM. Từ đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu với vấn nạn này.

Nhiều người bán hàng rong tiết lộ, những món ăn vặt bán trước cổng trường đều là hàng nhà làm, tự tay chế biến từ nguyên liệu mua sỉ ở chợ.

Món gì cũng có

Tầm từ 6 - 7 giờ mỗi ngày, tại Trường Tiểu học Võ Văn Hát (thành phố Thủ Đức) tấp nập các quầy hàng lưu động với đủ loại bánh mì, súp cua, nước giải khát... Tiếng mời chào vang vọng trước cổng trường. Cạnh đó, hàng chục xe máy của phụ huynh đậu quanh các xe hàng rong, tranh thủ mua thức ăn sáng cho con trước giờ vào lớp.

Quầy hàng di động bán bánh tráng trộn, trà sữa nhưng hầu như đều không thấy tem nhãn, nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: U.P

Quầy hàng di động bán bánh tráng trộn, trà sữa nhưng hầu như đều không thấy tem nhãn, nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: U.P

Đông khách nhất là xe bán thức ăn nhanh với 2 chiếc bàn và một thùng nhựa lớn. Chủ gian hàng này bày biện từng phần mì xào, xúc xích, phô mai que trong những chiếc hộp nhựa nhỏ, hàng chục ly nước ngọt và rất nhiều đồ chơi là các bộ ghép hình, bong bóng. Nước và thức ăn đều có một điểm chung là không có nhãn mác. “Tất cả thức ăn đều đồng giá 20.000 đồng/phần, mua một món ăn được tặng kèm một ly nước ngọt tùy chọn và một phần đồ chơi là bộ xếp hình mini hoặc bong bóng” - người bán đon đả mời chào.

Trong nhiều ngày PV báo Tiền Phong ghi nhận tại nhiều trường học ở TPHCM, hầu như nơi nào có học sinh, nơi ấy hàng rong lại kéo đến. Họ bán đủ các loại thức ăn từ các món ăn no đến ăn chơi, tất nhiên giá cũng rất “học sinh”.

Bên cạnh cổng Trường THCS Phú Định (quận 6), Lý Phong (quận 5)…, hàng rong cũng xôm tụ không kém. Không chỉ bán buổi sáng trước giờ học sinh vào lớp, mà giờ ra về cũng có đội quân hàng rong chờ sẵn để phục vụ “thượng đế”. Nhiều học sinh còn trở thành “mối quen” của người bán hàng rong, chỉ cần thấy bóng dáng là hiểu ý thích món gì, không rau hay có ớt… Vì vậy học sinh rất thích đến hàng rong quen để ăn vặt. “Hôm nào em cũng mua đồ ăn trước cổng trường vì hợp khẩu vị, có nhiều món để lựa chọn mà giá lại rẻ” - Bình, học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Phong, cho hay.

Tại nhiều trường khác như Tiểu học Đào Sơn Tây, THCS Ngô Chí Quốc (thành phố Thủ Đức), Tiểu học Đống Đa, Hồng Hà (quận Bình Thạnh),… hàng rong trước cổng trường còn tấp nập hơn, không chỉ đến từ các nhà dân xung quanh mà những người từ nhiều nơi cũng đem đủ các món ăn đến bán. Theo quan sát của phóng viên tại một xe bán cá viên chiên trước cổng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, người bán liên tục xé những bịch cá viên, xúc xích không nhãn mác, chiên trong chảo dầu đã ngả màu.

Thực phẩm “3 không”

Sau nhiều lần mua hàng làm quen, chúng tôi được bà V., bán các loại bánh tráng trộn, trà sữa… gần một cổng trường tiểu học ở quận 11 hơn 5 năm qua, cho biết, nguyên liệu đa phần đều mua ở chợ Bình Tây (quận 6). Nơi đây chuyên bán sỉ lẻ nhiều loại thực phẩm, cung cấp cho nhiều tỉnh, thành. Đề cập chuyện nhãn mác, xuất xứ, bà V. nói rằng, tiểu thương mua số lượng lớn rồi xé nhỏ bán dạng hàng xá (cân ký) nên hầu như không thấy bao bì, cũng không biết nơi nào sản xuất. “Tuy không có nhãn mác nhưng đều là hàng trong nước. Tôi bán hàng đã nhiều năm rồi mà chưa bao giờ xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm” - bà V. nói.

Tại một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh, khi chuông báo giờ ra chơi vừa reo, từng tốp học sinh túa ra một xe hàng rong đối diện cổng trường, tranh nhau mua đủ loại bánh kẹo được bày bán để tranh thủ vào lớp. Các loại bánh kẹo này đều có màu sắc sặc sỡ, chỉ có giá 5.000-10.000 đồng/ món. Theo người bán, những món quà vặt được học sinh ưa thích nhất là kẹo có hình viên thuốc, con mắt, thỏi son, kẹo đựng trong vỏ trứng… Ngỏ ý muốn mua lấy những món hàng này về quê bán, ban đầu người bán nói rằng, có người quen gửi hàng đến bán. Tuy nhiên sau đó, người này bỏ nhỏ: “Muốn mua thì cứ đến Chợ Lớn (chợ Bình Tây, quận 6 - PV), món gì cũng có”.

Chúng tôi tìm đến chợ Bình Tây (quận 6), chợ Kim Biên (quận 5). Tại đây, tiểu thương chào mời nhiều nguyên liệu để pha chế trà sữa có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc; các loại bột làm trân châu, thạch, bột khoai được đóng gói sơ sài. Giá bán chỉ từ 35.000 - 50.000 đồng/gói. “Đa số người bán trà sữa đều đến đây mua hàng vì giá rẻ, hàng hóa đa dạng. Hàng đưa về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, xách tay tuy nhiên sản phẩm đều đạt chất lượng” - một tiểu thương tại chợ Kim Biên nói.

Bên hông chợ Bình Tây, một dãy dài ki-ốt chuyên bán các mặt hàng bánh tráng. Khách có thể mua theo từng ký các loại bánh tráng đã tẩm sẵn dầu ớt với giá chỉ 60.000 đồng/kg, hoặc bánh tráng đã phân thành từng bịch, giá từ 50.000 đồng/10 bịch, mua số lượng lớn giá còn rẻ hơn. “Những người mua về bán lại đều mua hàng ở đây. Chúng tôi còn gửi hàng đi các tỉnh. Cô mới ra bán hàng thì nên lấy mỗi thứ một ít, bán được thì sau này lấy nhiều hơn” - nhân viên sạp hàng bánh tráng nói.

Dò hỏi nguồn gốc, tiểu thương quầy hàng lắc đầu cho biết, không có bao bì, nhãn mác như hàng bán ở siêu thị vì các sản phẩm đa số do người dân ở nhiều nơi như huyện Củ Chi (TPHCM), Tây Ninh, Long An… tự chế biến, gia công bánh tráng. Sau đó được một đơn vị chuyên thu mua về tẩm ướp thêm theo từng loại như bánh tráng cuộn, bánh tráng dầu ớt, bánh tráng muối… “Người bán lẻ mua về tự phân thành bịch nhỏ, hoặc sẽ làm món bánh tráng trộn ăn liền bán cho học sinh, sinh viên, công nhân… Ăn ngon, rẻ là được chứ chả ai quan tâm tem nhãn, thương hiệu gì cả” - tiểu thương nói.

Chúng tôi còn được nhiều tiểu thương khác tiếp thị đủ các món ăn chơi đang là “hot trend” (xu hướng thịnh hành) được giới trẻ yêu thích như các loại chân gà, que cay tẩm ướp gia vị, xúc xích và những túi nước trái cây đủ hương vị… được giới thiệu là hàng nhập khẩu. Quan sát từng sản phẩm, hầu hết đều có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Mỗi loại đều được bán thành từng vỉ, từng lốc với giá chỉ từ vài chục nghìn đồng, mua càng nhiều giá càng rẻ.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.