HAGL Agrico lý giải nguyên nhân lỗ ròng nghìn tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nỗ lực liên tục thời gian qua đã mang lại cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) kết quả khởi sắc hơn nhưng 9 tháng đầu năm nay HNG vẫn lỗ hơn nghìn tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai Agrico vẫn lỗ ròng hơn nghìn tỉ đồng. Ảnh: DN

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai Agrico vẫn lỗ ròng hơn nghìn tỉ đồng. Ảnh: DN

Lỗ ròng tăng mạnh

Công ty của HAGL Agrico của “Bầu” Đức vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022. Theo đó, trong quý này, HNG ghi nhận doanh thu thuần 191 tỉ đồng, chỉ tương đương 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm nhẹ 5% về hơn 373 tỉ đồng. Sau khấu trừ, công ty vẫn lỗ gộp hơn 182 tỉ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơn 14 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài doanh thu hoạt động chính, trong quý này, mảng tài chính ghi nhận doanh thu giảm mạnh 71% về còn 6,1 tỉ đồng, trong khi chi phí tài chính lại gấp 2,7 lần lên 223 tỉ đồng. Bên cạnh đó, NHG ghi nhận chi phí bán hàng giảm mạnh 92% còn 6,1 tỉ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 9% còn 14,2 tỉ đồng nhưng công ty vẫn lỗ ròng gần 416 tỉ đồng-khoản lỗ nặng nề hơn nhiều so với con số 181 tỉ đồng ghi nhận cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, HNG đạt doanh thu 553 tỉ đồng, lỗ ròng gần 1.086 tỉ đồng (gấp 3 lần số lỗ cùng kỳ 2021).

Trong bản giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2022 mới đây, HNG lý giải, lỗ ròng quý này là do thiếu hụt lao động tại Lào khiến sản lượng thu hoạch giảm 35% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá mua phân bón gấp 3 cùng kỳ, giá vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói cũng tăng 60%; cước phí vận chuyển tăng 13%.

Đồng thời, NHG cũng cho hay, đồng LAK (tiền tệ Lào) tiếp tục mất giá; tại ngày 30.9.2022 tỉ lệ giảm giá này so với USD là 10%, so với VND là 5% buộc doanh nghiệp phải ghi lỗ chênh lệch tỉ giá thêm gần 142 tỉ đồng.

Cổ phiếu vẫn bị kiểm soát

Đến cuối tháng 9.2022, HNG có tổng tài sản 11,5 nghìn tỉ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ ngắn hạn của HNG lại tăng hơn 50% lên hơn 7.200 tỉ đồng, riêng vay ngắn hạn tăng gần 65% lên 5.300 tỉ đồng. Công ty cho biết, đến 30.9 đang còn dư nợ vay đến hạn trả hơn 3.400 tỉ đồng với HAG và THAGRICO. Riêng khoản nợ tại THAGRICO đã tăng thêm hơn 1.700 tỉ đồng so với đầu năm.

Trong kỳ, HNG đã trả nợ đợt 1 cho HAG số tiền 600 tỉ đồng để nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 9.400ha cùng các tài sản thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas (đã bán cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải). Ngoài ra, HNG hiện vẫn còn dư nợ 2.100 tỉ đồng, trong đó tại BIDV gần 1.200 tỉ đồng, Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LaoVietBank) 661 tỉ đồng và Sacombank 249 tỉ đồng; cùng với hơn 861 tỉ đồng là khoản vay dài hạn đến hạn trả.

Liên quan đến cổ phiếu HNG, cuối tháng 9 vừa qua, Sở GDCK TPHCM (HOSE) vẫn quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu này do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30.6.2022 âm 4.096,97 tỉ đồng và có ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022.

Trong bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo HNG gửi cơ quan quản lý và nhà đầu tư, HNG cho biết, do khó khăn nên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30.9.2022 của công ty âm 4.512,8 tỉ đồng. Trước tình hình trên, công ty đã thực hiện chiến lược về đầu tư và sản xuất nông nghiệp cho giai đoạn 2022-2023 từ đó, tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo và từng bước giảm các khoản lỗ trên báo cáo tài chính: cải tạo, nâng cấp các vườn cây ăn trái; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị cơ giới hoá; chuyển đổi đồng tiền hạch toán tại các công ty con…

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.