Góp ý văn kiện Đại hội Đảng: Phải coi nông nghiệp là một nghề, nông dân được đào tạo, đóng bảo hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có đánh giá cụ thể hơn về vai trò của kinh tế hộ và phải coi nông nghiệp là một nghề.

 PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có đánh giá cụ thể hơn về vai trò của kinh tế hộ và phải coi nông nghiệp là một nghề.
PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có đánh giá cụ thể hơn về vai trò của kinh tế hộ và phải coi nông nghiệp là một nghề.


Tham gia góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây, ý kiến của ông về vai trò của kinh tế hộ rất được quan tâm. Xin ông nói rõ thêm về quan điểm này?

- Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều đã đề cập đến kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân nhưng chưa đề cập đến kinh tế hộ. Theo tôi, trong bối cảnh có nhiều thay đổi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, vai trò của kinh tế hộ vẫn vô cùng quan trọng.

Mục tiêu của Đảng đặt ra trong dự thảo văn kiện là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong bối cảnh có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, phát triển nông nghiệp nên hướng đến sự bền vững.

 

"Tại sao một số nước trên thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, thiếu lương thực dù họ có thừa đất đai để sản xuất nông nghiệp, một trong những nguyên nhân là do kinh tế hộ không được coi trọng, trong khi doanh nghiệp họ sản xuất dựa trên lợi nhuận là chủ yếu?" – PGS.TS Đào Thế Anh.


Nhìn vào bức tranh sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy, lực lượng sản xuất chính vẫn là nông dân, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất chưa nhiều, mà chủ yếu tham gia ở chuỗi cung ứng dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là, vai trò của hộ nông dân như thế nào trong tình hình mới?

Theo tôi, trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của nông dân rất quan trọng, chiếm vai trò chủ đạo. Ngay cả hợp tác xã phát triển cũng là để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, nói cách khác, kinh tế hộ là hạt nhân của hợp tác xã.

Hiện nay, kinh tế hộ chưa được coi là một phần của kinh tế tư nhân, chính vì vậy, trong văn kiện nên dành nội dung nhấn mạnh vai trò của kinh tế hộ, nhất là trong nông nghiệp, bởi nông dân vẫn là lực lượng đông đảo.

 

Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang làm giàu nhờ mô hình trồng thanh long trên đất nhiễm mặn. Các nông dân ở đây cũng thành lập hợp tác xã để thúc đẩy tiêu thụ thanh long. Ảnh: Khánh Nguyên.
Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang làm giàu nhờ mô hình trồng thanh long trên đất nhiễm mặn. Các nông dân ở đây cũng thành lập hợp tác xã để thúc đẩy tiêu thụ thanh long. Ảnh: Khánh Nguyên.



Hiện nay, chúng ta đang hướng đến sản xuất quy mô lớn, vậy việc phát triển kinh tế hộ có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

- Thế giới cũng thừa nhận kinh tế hộ đóng vai trò chủ đạo, cung cấp 85% sản lượng lương thực thực phẩm; Liên Hợp quốc cũng phát động phong trào ưu tiên các chính sách thúc đẩy kinh tế hộ trong thập kỷ tới, Việt Nam cũng nên hưởng ứng việc này.

Rất nhiều nước đang muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế hộ. Bạn có thể thấy, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, vai trò của kinh tế hộ đã được chứng minh, kinh tế hộ đã trở thành nền tảng để đảm bảo tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tại sao một số nước trên thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, thiếu lương thực dù họ có thừa đất đai để sản xuất nông nghiệp, một trong những nguyên nhân là do kinh tế hộ không được coi trọng, trong khi doanh nghiệp họ sản xuất dựa trên lợi nhuận là chủ yếu.

Do vậy, chúng ta không thể thay thế vai trò, vị trí của kinh tế hộ trong nông nghiệp bằng doanh nghiệp, không nên lấy đất của nông dân giao cho doanh nghiệp, thay vào đó, nên đi tìm cơ chế liên kết hiệu quả.

Nông nghiệp phải là một nghề

Nhưng rõ ràng trong giai đoạn mới, định nghĩa về kinh tế hộ cũng phải có những thay đổi cho phù hợp, chứ không thể là quy mô vài mảnh ruộng, đúng không thưa ông?

- Đúng là như vậy, trong bối cảnh thị trường chuyển động trong từng giây phút, biến đổi khí hậu khó lường, rủi ro về dịch bệnh mới, nông nghiệp để phát triển, người nông dân phải được trang bị các kiến thức, công cụ để giảm thiểu những rủi ro ấy.

Kinh tế hộ trong giai đoạn vừa qua có điểm yếu là quy mô quá nhỏ, đất đai manh mún nên khó áp dụng công nghệ, nhưng chúng ta cũng không thể tập trung đất đai giao cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, với nông dân, đất vẫn là tư liệu sản xuất quan trọng, nên việc tích tụ ruộng đất lớn không hề đơn giản. Và thực tế, quy mô sản xuất càng lớn rủi ro càng nhiều khi bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển.

Để hóa giải những thách thức này, theo tôi nên phát triển các trang trại quy mô trung bình, sau đó tạo ra quy mô lớn bằng cách thành lập hợp tác xã, trong đó, khâu thị trường sẽ được ưu tiên.

Muốn tham gia hợp tác xã, hộ nông dân phải được chuyên nghiệp hóa, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, cung cấp lương thực thực phẩm cho nội tiêu, hộ nông dân phải được chuyên nghiệp hóa, nông nghiệp phải được coi là một nghề như bao nhiêu nghề khác trong xã hội.

 

 Nông nghiệp phải được coi là một nghề. Trong ảnh: Nông dân Đăk Đoa, Gia Lai sơ chế cà phê. Ảnh: Khánh Nguyên.
Nông nghiệp phải được coi là một nghề. Trong ảnh: Nông dân Đăk Đoa, Gia Lai sơ chế cà phê. Ảnh: Khánh Nguyên.


Tại sao tôi nói vậy? Bởi nông nghiệp bây giờ làm không chỉ để tự cung tự cấp mà phải từng bước được chuyên nghiệp hóa. Nông dân tham gia sản xuất phải có bảo hiểm, phải được đào tạo.

Đào tạo nghề ở đây cũng phải thay đổi nội dung, đáp ứng nhu cầu mới chứ không đơn giản là chuyển giao kỹ thuật như từ trước đến nay. Theo đó, cần đào tạo cho nông dân kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tham gia chuỗi giá trị, thị trường như thế nào?

Một trong những rào cản khiến nông dân khó ứng dụng công nghệ vào sản xuất là do đất đai manh mún. Theo ông, nên hóa giải điều này như thế nào?

- Theo tôi, nên khuyến khích theo hướng trao đổi quyền sử dụng đất, hiện nay,  nhiều địa phương nông dân vẫn có tâm lý giữ đất, nhưng lại không canh tác, rất lãng phí, trong khi doanh nghiệp rất muốn có diện tích đất lớn để đầu tư nhưng việc tập trung rất khó khăn.

Do vậy, cần có giải pháp trao đổi quyền sử dụng đất, trong khi quyền sở hữu không thay đổi. Nếu thúc đẩy việc này sẽ khuyến khích hình thành các trang trại quy mô vừa, kết hợp với tham gia hợp tác xã thì quy mô sản xuất sẽ được cải thiện.

Nếu nông nghiệp được coi là một nghề thì rõ ràng việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao phải được ưu tiên?

- Đúng là như vậy, nông dân thế hệ mới cần phải hội nhập, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Nhưng theo tôi, việc lựa chọn công nghệ phù hợp quan trọng hơn, bởi nếu không sẽ dễ thất bại. Hiện nay, có nhiều công nghệ được giới thiệu trên thị trường, quan trọng là lựa chọn công nghệ nào phù hợp.

 Ngay cả Đài Loan họ cũng chỉ có 20% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Và đừng nghĩ phải làm nhà kính, nhà lưới mới là công nghệ cao, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học để thúc đẩy sản xuất cũng là công nghệ cao rồi.

Hiện nay, nông nghiệp sinh thái đang là mô hình được nhiều địa phương hướng đến. Hiện, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đang phối hợp với tỉnh Sơn La xây dựng mô hình, với phương châm sử dụng hợp lý hóa chất, phân bón, sử dụng nguyên lý sinh thái để phát triển.

Xin cảm ơn ông!


 

https://danviet.vn/gop-y-van-kien-dai-hoi-dang-phai-coi-nong-nghiep-la-mot-nghe-nong-dan-duoc-dao-tao-dong-bao-hiem-20201105082304124.htm

Theo Anh Thơ (thực hiện/Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm