Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng bao giờ triển khai?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, qua rà soát để 'thiết kế' gói hỗ trợ an sinh ước tính 62.000 tỉ đồng, dự kiến có khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng.

 

Người bán vé số ở TP.HCM nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phân phối - Ảnh: Sỹ Đông
Người bán vé số ở TP.HCM nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phân phối - Ảnh: Sỹ Đông



Rất nhiều người lao động mong muốn gói hỗ trợ an sinh xã hội dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm được triển khai, giúp họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, qua rà soát để “thiết kế” gói hỗ trợ an sinh ước tính 62.000 tỉ đồng, dự kiến có khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng. Do gói này vượt thẩm quyền của Chính phủ nên thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng KH-ĐT đã ký trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến.

Lần đầu tiên có gói "tiền tươi"

Cụ thể, Bộ KH-ĐT đã tham mưu dựa trên các mục tiêu, chính sách bao trùm và nhân văn tới người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo. Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ đề xuất một khoản tiền lớn từ ngân sách để hỗ trợ người dân trong đại dịch.

“Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu. Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông Dũng nói và cho rằng gói hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động (NLĐ)... chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một Chính phủ hành động.

Theo chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long, với điều kiện ngân sách còn eo hẹp, gói hỗ trợ trên sẽ giải tỏa được nhiều khó khăn cho NLĐ. Vấn đề quan trọng nhất và còn lại là tiến độ. Đây là yếu tố sống còn, bởi chỉ cần chậm một nhịp, khi lao động phải bỏ việc, doanh nghiệp (DN) đóng cửa sẽ không thể gượng dậy lại được.

“Bằng mọi giá phải giữ chân được NLĐ. Cùng với đó, hỗ trợ để các nhóm người yếu thế trong xã hội cầm cự, vượt qua được đại dịch, Chính phủ nên xem xét bổ sung hỗ trợ cho các nhóm NLĐ tự do, buôn bán nhỏ lẻ, người làm thuê không có hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nông nghiệp, người nông dân cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, mất mùa, dịch tả lợn và Covid-19 nhưng trong gói hỗ trợ vẫn chưa thấy nhắc đến”, ông Long đề xuất thêm.

Chia sẻ quan điểm, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, còn một nhóm NLĐ đang làm việc 2 - 3 ngày/tuần do DN thiếu việc làm nhưng không muốn NLĐ bỏ việc.
Nhóm người này khá đông, thu nhập đang giảm sút, đời sống khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải xác định, cụ thể các tiêu chí cho từng nhóm đối tượng; xây dựng văn bản hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thị trường lao động Việt Nam.

Người lao động ngóng từng ngày

Chị Đỗ Thị Mùi, lao động tự do ở phố Bạch Mai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), bộc bạch: “Trước đây hai vợ chồng làm ở bãi giữ xe cũng có đồng ra đồng vào, nhưng từ khi dịch bệnh, chẳng ai mướn, chúng tôi gần như kiệt quệ, bữa ăn chỉ có lạc rang với tí rau, chi tiêu hà tiện các khoản khoảng 70.000 - 80.000 đồng/ngày. Tôi nghe trên ti vi nói, chúng tôi được trợ cấp 1 triệu đồng/tháng thật tuyệt vời quá. Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết bao giờ được nhận trợ cấp, phải đến đâu để khai báo hay chờ chính quyền xét duyệt?”, chị Mùi băn khoăn.

Chị Nguyễn Mai Hương, công nhân may ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết DN thiếu nguyên liệu, ngừng sản xuất nên chị nghỉ không lương và còn nuôi 2 con nhỏ. “Không có việc tôi xin rửa bát, bưng bê ở quán ăn, được nửa tháng thì quán cũng đóng cửa. Tôi cũng có nghe được thông tin nhà nước sẽ có hỗ trợ những NLĐ nghỉ việc không lương. Số tiền hỗ trợ không lớn nhưng cũng là sự chia sẻ đối với những NLĐ khó khăn kinh tế”, chị Hương nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho rằng về cơ bản các nhóm đối tượng được nêu trong chính sách đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội. Thời gian hỗ trợ trước mắt là 3 tháng cũng hợp lý. Theo ông Lợi, Chính phủ cần tập trung hỗ trợ cho đối tượng là DN và NLĐ bị mất việc dẫn đến thất nghiệp hoặc thiếu việc làm cục bộ, phải làm việc luân phiên. “Phải huy động trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của các đoàn thể để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu đối với các đối tượng cần hỗ trợ”, ông Lợi nói và cho biết trong ngày 8.4, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết, sau đó có thể triển khai được ngay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ đang xây dựng kế hoạch triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội. “Bộ LĐ-TB-XH vẫn giữ nguyên 6 nhóm đối tượng như đã đề xuất. Tuy nhiên, vẫn phải chờ Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến thông qua, sau đó Chính phủ mới có cơ sở hướng dẫn. Nhanh nhất là cuối tuần này có thể triển khai”, ông Hoan nói.


 


Hỗ trợ trong 3 tháng 4 - 5 - 6.2020

- Người có công với cách mạng được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng;

- Hộ nghèo, cận nghèo, lao động bị chấm dứt hợp đồng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải ngừng kinh doanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng;

- Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương được trợ cấp 1,8 triệu đồng/tháng;

- Doanh nghiệp có lao động bị ngừng việc trong 3 tháng được vay lãi suất 0%.

Giãn thuế, bơm tín dụng hàng trăm ngàn tỉ đồng

Ngoài gói hỗ trợ an sinh, Chính phủ cũng đã tung ra các gói hỗ trợ về tài chính và tín dụng (giảm lãi suất). Theo NHNN, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỉ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỉ đồng. Đã triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3% (khoảng 250.000 tỉ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa...). Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỉ đồng.


Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỉ đồng, tăng gần 100.000 tỉ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ trước đó.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết ước tính tổng số DN được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất lần này lên tới 98% tổng số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước. Về thủ tục, DN chỉ cần làm đơn đề nghị và nộp 1 lần cho các cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước 30.7.2020. Đơn xin gia hạn được gửi cùng với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (có loại khai theo tháng, có loại khai theo quý)…



Theo Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Năm và đang hướng đến tháng tốt nhất trong bảy tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để biết manh mối về lộ trình lãi suất.

Ia Grai thu ngân sách vượt cao

Ia Grai thu ngân sách vượt cao

(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên trong 9 tháng năm 2024, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) thu ngân sách theo phân cấp ước tính 117 tỷ đồng, đạt hơn 142% dự toán tỉnh giao, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Gia Lai điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2024

Gia Lai điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2024

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành các quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.