Gieo yêu thương sau những vòng xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chàng trai khuyết tật Quảng Đình Hậu với chiếc xe tự chế cũ rích, đi xin tiền và nhu yếu phẩm rồi tặng lại cho những người nghèo khó.

Với thân hình khuyết tật, chân tay co quắp, nói ngọng nghịu, nhiều người gặp Hậu bán vé số ở TP Quảng Ngãi đã tỏ lòng thương hại, dúi cho chàng trai một ít tiền lẻ. Song, không mấy người biết rằng Hậu dùng toàn bộ số tiền được cho để đi làm từ thiện.

Đi xin để cho lại người nghèo khó

"Thương thằng bé quá à!", "Sao không ai cho nó vào trung tâm bảo trợ người khuyết tật?", là những câu nói thương hại mà Hậu đã nghe cả ngàn lần trên nẻo đường mưu sinh. Hậu cố gắng giải thích: "Con cảm ơn các cô, con tự lo được. Con đi xin cho người nghèo, chứ con không bị đói đâu". Nhưng không mấy ai đủ kiên nhẫn để nghe Hậu nói hết cả câu cũng như có thể dịch chính xác nội dung Hậu muốn nói.

Quảng Đình Hậu đi vận động từ thiện bằng chiếc xe tự chế suốt gần chục năm nay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Quảng Đình Hậu đi vận động từ thiện bằng chiếc xe tự chế suốt gần chục năm nay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những ngày tháng 5-2021 nắng gắt gao, dịch COVID-19 cao trào, Quảng Đình Hậu (sinh năm 1993) lại leo lên chiếc xe ba gác tự chế cũ rích ra khỏi nhà ở làng Tư Cung (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) để đi xin tiền ở các khu chợ. Hậu bê chiếc hòm từ thiện một cách nặng nhọc có ghi dòng chữ "Mua rau hỗ trợ Sài Gòn, bà con có cái gì cho cái đó". Hậu cố gắng giữ chiếc hòm thật chắc bằng đôi bàn tay co quắp, rồi ghì thật chặt vào người đi trong nắng sớm bình minh.

Hậu đi hết hàng rau đến hàng cá, đi từ từng shop quần áo đến quán cà phê chỉ để xin tiền làm từ thiện. Có người không muốn Hậu lại gần. Họ sợ khách thấy Hậu mà không dám vào mua đồ. Hậu bèn để chiếc hòm từ thiện ở cửa rồi đi ra, đợi họ cho tiền rồi đến cảm ơn, Hậu lại vào bưng hòm đi.

Ai cho, ai đuổi, ai khen, ai chê Hậu đều cảm ơn và vui vẻ đón nhận. Hậu muốn làm điều gì đó cho thành phố phương Nam để vượt qua đại dịch, cho dù là rất nhỏ như muối bỏ bể.

Gần 1 tháng cao điểm, Hậu đi hầu hết mọi con đường, ngõ hẻm ở TP Quảng Ngãi. Không chỉ nhận tiền, Hậu nhận bất kỳ thứ nhu yếu phẩm nào người dân cho. Có hôm, Hậu chở đầy một xe bầu bí, rau củ quả, vài bao gạo nặng đến hàng tạ trên chiếc xe cũng "khuyết tật" giống Hậu. Hậu bám vào chiếc xe đi cà nhắc đầy khó nhọc, tưởng chừng có lúc cả xe hàng chuẩn bị đổ sập vào Hậu…

Quảng Đình Hậu trao quà cho người khuyết tật trong thời điểm dịch COVID-19

Quảng Đình Hậu trao quà cho người khuyết tật trong thời điểm dịch COVID-19

Ngay khi xin được, Hậu gắng sức dắt xe hàng đến các khu cách ly để trao cho lực lượng chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Để chuyển nhu yếu phẩm vào TP HCM, Hậu chẳng ngại nặng nhọc dắt xe hàng tới tận Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi hoặc các nhóm thiện nguyện uy tín để nhờ gửi hộ. "Em gửi vào TP HCM được vài tấn rau củ, gạo. Và tiền nữa, tổng cộng hơn 100 triệu đồng, có cả tiền riêng của em. Mẹ em và em của em cũng đang ở TP HCM" - Hậu nói.

Mỉm cười trước số phận hẩm hiu

Tôi gặp Hậu vào một ngày nắng nóng năm 2022 ở TP HCM, lúc đó Hậu mới được nhận vào làm việc tại trung tâm khuyết tật của thành phố. Nhìn bề ngoài, trông Hậu khù khờ, nhếch nhác giống như một người khuyết tật thân xác lẫn đầu óc. Nhưng tôi đã lầm. Hậu rất thông minh, đa sầu, đa cảm ẩn sau cái vẻ bề ngoài lạc quan, hay cười. Khi nhắc đến gia đình, nước mắt Hậu đã ra nhanh hơn cả giọng nói. Hậu lau nước mắt bằng chiếc áo cũ rách, nhem nhuốc đã theo Hậu gần chục năm.

Hậu là con cả trong một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, dưới Hậu còn một em gái. Ngay lúc lọt lòng, Hậu đã mang hình hài không lành lặn. Ít năm sau, bố mẹ Hậu ly hôn. Hậu sống với bố. Mẹ và em gái vào TP HCM sinh sống. Rồi bố lấy vợ khác, Hậu sống với bà nội. Bà nội tuổi cao, Hậu phải đi bán vé số nuôi bản thân và chăm bà. Song, bà nội yếu quá, người chú đón bà về trông nom. Hậu lại lẻ loi một mình, không người thân, vá víu cuộc đời bằng nụ cười giấu sau biển nước mắt.

Trước khi vào TP HCM, Hậu từng lang bạt khắp vùng duyên hải Nam Trung Bộ vừa để mưu sinh vừa đi "ăn xin" để làm từ thiện. Từng đồng tiền Hậu xin được, Hậu rất trân trọng, xếp lại thẳng thớm rồi đi trao cho những người nghèo khó mà Hậu gặp trên đường đời.

Anh Võ Văn Vũ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cho biết: "Tôi chẳng may bị bệnh tủy sống phải nằm liệt giường, tương lai gần như khép lại. Hậu biết hoàn cảnh thường xuyên đến tặng nhu yếu phẩm, động viên tôi khiến tôi yêu đời hơn, đó chính là liều thuốc tinh thần vô giá Hậu mang đến cho tôi".

Với Hậu, được giúp mọi người là thứ hạnh phúc tuyệt vời nhất. Số Hậu đã khổ rồi, Hậu không muốn ai phải khổ hơn. Bất kể mưa nắng, ngày đêm, vui buồn, nghe tin ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người bệnh tật không có tiền chạy chữa… là Hậu lại lên đường, mài nhẵn đôi dép tìm đến tận nhà họ. Từng vòng xe lạch cạch, quay đều, đến nay Hậu không nhớ đã đi trao bao nhiêu tiền, suất quà cho người nghèo. Hậu cũng không màng liệt kê chuyện đó.

Ông Lê Văn Sáu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, rất xúc động khi nhắc đến Hậu: "Thật đặc biệt. Một người khuyết tật như Hậu lẽ ra cần được xã hội yêu thương thì Hậu lại đi mang yêu thương trao cho những người nghèo khó. Hậu đã làm thiện nguyện nhiều năm, chương trình nào Hậu cũng đòi tham gia, có bao nhiêu tiền trong người Hậu lấy ra ủng hộ hết, rất cảm động".

Chẳng giữ gì cho riêng mình

Trò chuyện với Hậu, nếu như ai không đủ kiên nhẫn sẽ sớm bỏ cuộc, vì như anh đồng nghiệp của tôi, vốn là bạn của Hậu từ lâu từng ví: "Phiên dịch cho Hậu còn khó hơn phiên dịch tiếng Anh".

Song, bằng sự chân thành và ngôn ngữ cơ thể khéo léo, Hậu luôn biết cách tạo ra sự cuốn hút trong câu chuyện. Hậu khoe với tôi rằng dịp trước Tết Nguyên đán 2023, Hậu được nhận thưởng 30 triệu đồng từ một cơ quan báo chí, tôn vinh các cá nhân sống đẹp. Hỏi Hậu làm gì với số tiền đó, Hậu nói: "Em tặng số tiền này cho bà con nghèo mua vé xe về quê ăn Tết". Hậu không mua lấy một tấm áo mới hay tân trang lại chiếc xe cà tàng mà dành tặng hết cho người nghèo xa xứ, mưu sinh nơi phố thị.

Trên những vòng xe thiện nguyện, thậm chí đã có lần Hậu "van xin" người nghèo khó nhận quà giùm. Vì khi họ thấy Hậu còn khó khăn gấp muôn phần, họ không dám nhận. Thấy Hậu, họ thêm quyết tâm lao động, thêm yêu cuộc sống và động lực vươn lên. "Có lần em đi tặng quà cho một cô rất khổ, cô thấy em khuyết tật nên cô nhất định không nhận, em đành quỳ xuống xin cô nhận cho" - Hậu nói.

Làm việc tại trung tâm khuyết tật, lương 7 triệu đồng/tháng, Hậu chẳng chọn giữ riêng cho bản thân mà tiêu dư bao nhiêu Hậu đều đem đi cho hết. Gặp hoàn cảnh nào khó khăn, Hậu đều ân cần hỏi thăm: "Cô cần gì con mang đến cho, cô đừng ngại, cô nhận thì con mới vui". Không sinh ra ở TP HCM, cũng chỉ đến TP HCM một thời gian nhưng Hậu đã mang cái nghĩa tình, bao dung của con người Quảng Ngãi hòa chung vào cái chất hào sảng của người phương Nam.

Trong điện thoại của Hậu có hàng trăm bức ảnh trao tặng quà từ thiện. Bản thân Hậu cũng không nhớ nổi hết đã từng đi trao tặng quà bao nhiêu lần, Hậu cũng chẳng cầm chắc cây bút mà viết thành chữ. Ấy thế, tấm lòng của Hậu cứ sáng mãi để đi lan tỏa yêu thương đến những mảnh đời khốn khó.

Hãy tôn trọng và yêu thương người khuyết tật

Hỏi về ước mơ, ngoài việc sẽ tiếp tục đi làm từ thiện, Hậu chỉ mong muốn rằng: "Em mong sẽ không có ai kỳ thị người khuyết tật nữa, đừng dội nước vào đầu em, chúng em cũng là người mà?". Nói xong cả tôi và Hậu đều rơm rớm nước mắt. Tôi biết Hậu đã từng phải trải qua cảm giác bị kỳ thị, từng bị ông chủ quán nước dội nước vào đầu khi vào quán bán vé số. Tiếng nói của Hậu cũng chính là tiếng lòng của tất cả người khuyết tật và mọi con người trên trái đất này: Hãy tôn trọng và yêu thương người khuyết tật.

Quảng Đình Hậu tham gia tổ chức Đêm hội trăng rằm cho các em nhỏ ở TP Quảng Ngãi

Quảng Đình Hậu tham gia tổ chức Đêm hội trăng rằm cho các em nhỏ ở TP Quảng Ngãi

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.