Niềm vui từ “Tấm ảnh yêu thương”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuối tuần vừa qua, khu nhà dành cho người già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai bỗng chộn rộn khác thường. Các cụ già được đội ngũ chuyên viên trang điểm và nghệ sĩ hỗ trợ để có bức ảnh chân dung thật ưng ý dành làm kỷ niệm.

Dù chỉ là sự quan tâm rất nhỏ song chương trình “Tấm ảnh yêu thương” đã mang đến niềm vui lớn hơn thế gấp nhiều lần.

Người trẻ đến với người già yếu thế

Là người đứng ra tổ chức chương trình “Tấm ảnh yêu thương”, anh Nguyễn Hoàng Nam (Thư viện tỉnh) chia sẻ: Trong những lần tham gia công tác thiện nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, anh nhớ mãi cảnh một số cụ già thường lấy ảnh của mình trong túi ra khoe với mọi người. Họ ngắm nghía, nhận xét, khen bức ảnh đẹp. Một số cụ ao ước có được một tấm hình chân dung của riêng mình.

Mong muốn tặng các cụ món quà ý nghĩa, anh Nam đã lên tiếng nhờ sự hỗ trợ của các cơ sở trang điểm, cho thuê trang phục, nhiếp ảnh, in ảnh… trên địa bàn TP. Pleiku. Rất nhanh chóng, chương trình “Tấm ảnh yêu thương” đã nhận được sự hưởng ứng hết sức nhiệt tình của đội ngũ các bạn trẻ đang kinh doanh trong các lĩnh vực trên với tinh thần góp sức bằng những gì mình có.

Các bạn trẻ tham gia chương trình "Tấm ảnh yêu thương" đang chụp ảnh chân dung cho một cụ già tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Các bạn trẻ tham gia chương trình "Tấm ảnh yêu thương" đang chụp ảnh chân dung cho một cụ già tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Trước khi chụp ảnh, các cụ ông được chải tóc, xịt keo, thay vest; các cụ bà được trang điểm kỹ càng, diện áo dài. Chị Trần Thị Minh Hoài-Chủ tiệm trang điểm và áo cưới Tiny Trần (338 Nguyễn Viết Xuân) chia sẻ: “Chúng tôi đưa 10 chuyên viên trang điểm đến để hỗ trợ chương trình. Ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Chúng tôi không khỏi xúc động khi có cụ cho hay đây là lần đầu tiên thoa son. Có cụ bảo, được chăm lo nơi ăn chốn ở là vui rồi chứ không nghĩ tới việc được chụp hình. Vậy nên chúng tôi cố gắng trong khả năng có thể để các cụ có được một bức ảnh đẹp làm kỷ niệm”.

Ngỡ ngàng vì bỗng dưng được chụp ảnh miễn phí, bà Võ Thị Bê (87 tuổi) móm mém kể: “Tôi vào đây lâu lắm rồi, ăn hết cơm của nhà bếp rồi. Tôi cũng được chụp hình nhưng không ai cho tấm nào (chụp làm hồ sơ, giấy tờ, bảo hiểm-P.V). Hôm nay, mấy cô chú đến chụp hình nhiệt tình quá”. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các cụ ông, cụ bà khiến buổi chiều ở nơi vốn vắng lặng trở nên rộn ràng.

Tổng cộng 90 người được tặng ảnh dịp này. Ê kíp của chương trình dự kiến làm việc trong 2 buổi chiều liên tiếp. Tuy nhiên, đội ngũ nhiếp ảnh hùng hậu với 5 người đến từ Mộc Studio (480 Phạm Văn Đồng) và một số tay máy tự do đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, rút ngắn một nửa thời gian.

Anh Phạm Nguyễn Toàn Thứ-Chủ Mộc Studio-bày tỏ: “Tôi không nghĩ đến những từ to tát như “trách nhiệm với cộng đồng”. Chỉ thấy rằng đây là chương trình quá hay nên tự nguyện tham gia, giúp được gì thì giúp”.

“Đông tay thì vỗ nên kêu”

Thêm sự hỗ trợ của lab Gà House (02 Nơ Trang Long), ngay ngày hôm sau, 90 bức ảnh đã nhanh chóng được in ra, khổ 20x30 cm, đóng khung và được trao tận tay từng cụ già. Khỏi phải nói bà Phạm Thị Cứu (78 tuổi) vui như thế nào, dù bị mù cả 2 mắt, không biết được bức chân dung của mình ra sao.

Bà Phạm Thị Cứu (78 tuổi) rất vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa từ chương trình “Tấm ảnh yêu thương”. Ảnh: P.D
Bà Phạm Thị Cứu (78 tuổi) rất vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa từ chương trình “Tấm ảnh yêu thương”. Ảnh: P.D

Bà Cứu vào ở tại Trung tâm cách nay chừng 30 năm. Ngày đó, bà sống độc thân, là công nhân cao su tại Chư Prông. Trong một lần cuốc đất bị rễ cây bắn vào mắt, do không đi bệnh viện ngay nên mắt bị nhiễm trùng nặng dẫn đến mù lòa. Sau đó, bà được đưa vào đây. Nhờ sự tác hợp của cán bộ Trung tâm, bà và ông Phạm Tuyn thành vợ chồng để cùng nương tựa, chăm sóc nhau.

Được trao tặng bức ảnh, bà quờ tay tìm đến chỗ ông ngồi, vui vẻ hỏi: “Ông ơi, ông xem hình tôi này, có đẹp không?”. Cảnh tượng đó khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Ngắm nhìn mãi nét mặt hồn hậu của mình trong bức ảnh, ông Trần Như Hải (80 tuổi) bâng khuâng: “Ở đây có cái buồn, cũng có cái vui. Buồn vì không còn người thân nào, vui vì vào đây có nhiều người cùng cảnh ngộ, được chăm sóc chu đáo. Đây là lần đầu tiên tôi được các nhiếp ảnh gia chụp cho tấm ảnh đẹp. Rất xúc động. Đây còn là kỷ niệm lâu dài, để mỗi khi nhìn thấy là nhớ, là có một đoàn đã đến chơi, chụp tặng tấm hình. Vui lắm!”.

Ông Trần Như Hải (80 tuổi) rất hài lòng với bức ảnh chân dung của mình. Ảnh: Phương Duyên

Ông Trần Như Hải (80 tuổi) rất hài lòng với bức ảnh chân dung của mình. Ảnh: Phương Duyên

Hạnh phúc lan tỏa khiến những người tham gia cùng chương trình “Tấm ảnh yêu thương” vui lây. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên-Chủ lab Gà House-cho biết: Cơ sở hỗ trợ toàn bộ chi phí in ảnh và đóng khung, tổng cộng khoảng gần 5 triệu đồng.

“Thấy anh Nam kêu gọi thực hiện chương trình quá hay, lại là chuyên môn của mình nên tôi tham gia, vừa góp công vừa góp vui”-chị Duyên chia sẻ. Chủ một số điểm cho thuê trang phục có tiếng tại Pleiku như Mai Hương, Xuân Hằng cũng không đứng ngoài cuộc mà chung tay góp sức để chương trình thành công.

Ông Đinh Văn Bí-Trưởng phòng Công tác và phát triển cộng đồng (Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh) thông tin: Trung tâm đang chăm sóc 136 đối tượng là người già neo đơn, người khuyết tật và trẻ em. Đây là hoạt động thiết thực có ý nghĩa sâu sắc, mang lại niềm vui tinh thần to lớn cho các cụ. Cụ nào cũng rất háo hức, vui mừng.

Anh Nguyễn Hoàng Nam: “Món quà chúng tôi tặng các cụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh không dừng ở một tấm ảnh làm kỷ niệm. Nhiều cụ nghĩ xa hơn, mong sau khi ra đi cũng có bức ảnh đẹp để thờ tự... nhưng điều kiện khó khăn, vất vả, bệnh tật thành ra đôi khi mong muốn bé nhỏ ấy cũng là một điều khó. Các cụ vào đây đã là thiệt thòi. Vậy nên, việc làm của chúng tôi không gì khác ngoài tình cảm yêu thương thông qua một bức ảnh. Đơn giản vậy thôi”.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.