Giai điệu cuộc sống trong tà áo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nhiều cơ sở Hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh phụ nữ duyên dáng với áo dài để hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3). Hình ảnh phụ nữ Gia Lai duyên dáng trong tà áo dài tại các danh lam thắng cảnh hay tại công sở được cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận tích cực, sôi nổi.

Cuộc thi ảnh trực tuyến “Phụ nữ Pleiku duyên dáng với áo dài Việt” triển khai từ ngày 23 đến 29-2 lan tỏa nhiều ảnh đẹp của con người và vùng đất cao nguyên. 23 ảnh đẹp của tập thể và cá nhân vượt qua vòng sơ loại, đăng tải trực tuyến trên trang Facebook của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku để khán giả bình chọn. Ban giám khảo dựa vào lượt thích, chia sẻ, bình luận để lựa chọn 15 ảnh xuất sắc nhất trao giải, dự kiến tổ chức vào ngày 8-3.

Ảnh dự thi là những khoảnh khắc đẹp của cán bộ, hội viên trong trang phục áo dài chụp tại các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử như: Biển Hồ, chùa Minh Thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết… hay tại cơ quan, công sở. Dưới mỗi tác phẩm dự thi là những thông điệp/suy nghĩ, cảm xúc về hình ảnh áo dài.

Cuộc thi không chỉ vinh danh vẻ đẹp của chiếc áo dài mà còn là sự tôn vinh tinh thần cống hiến, sức sống của phụ nữ thành phố gắn với tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương. Tinh thần ấy đã truyền cảm hứng cho những người quyết định bấm like hay share, bình chọn cho tấm ảnh mình yêu thích.

Ảnh dự thi của chị H’Thê-Hội LHPN phường Tây Sơn, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Ảnh dự thi của chị H’Thê-Hội LHPN phường Tây Sơn, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Chùa Minh Thành là địa điểm được nhiều tập thể, cá nhân chọn làm bối cảnh để ghi lại hình ảnh với bộ áo dài. Chị Hoàng Minh Trang (phường Chi Lăng) chia sẻ: “Đến chùa Minh Thành, bạn cảm nhận được vẻ đẹp của kiến trúc và sự tôn nghiêm của nơi này. Mặc trang phục áo dài đi lễ chùa cho thấy vẻ đẹp, sự tinh tế của người phụ nữ Việt”.

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Minh Hằng (phường Đống Đa) thì cảm nhận: “Tà áo dài nhắc nhở người mặc ứng xử cho xứng đáng với giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Mặc áo dài đi chùa không chỉ tôn lên vóc dáng đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn là sự quảng bá văn hóa dân tộc. Khi chọn bối cảnh chùa Minh Thành, tôi muốn giới thiệu cho các bạn gần xa biết đến một Pleiku đẹp đẽ, vừa cổ kính vừa hiện đại và mến khách”.

Dù chụp ở các thắng cảnh hay ở chính cơ quan, công sở, tà áo dài đều toát lên vẻ duyên dáng, thùy mị của người phụ nữ Việt. Chọn áo dài trong những hoàn cảnh, sự kiện phù hợp còn thể hiện văn hóa giao tiếp, đồng thời lan tỏa giá trị vượt thời gian của trang phục dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Nga-Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-cho biết: “Song song với cuộc thi, Hội LHPN thành phố còn phát động chương trình “Tặng áo dài-Trao yêu thương”. Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng để chị em chung tay tặng áo dài, trao yêu thương, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của dân tộc”.

Ảnh dự thi của tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ phường Hội Thương, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Ảnh dự thi của tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ phường Hội Thương, TP. Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Cuộc thi ảnh đẹp trực tuyến cũng được cán bộ, hội viên phụ nữ Hội LHPN xã Phú An (huyện Đak Pơ) hưởng ứng sôi nổi cùng với những sáng tạo độc đáo. Đó là tà áo dài xuất hiện bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên với cánh đồng lúa, rẫy mì hay trên những con đường hoa, hàng rào xanh… Chị em đã truyền đi một giai điệu đẹp của áo dài với cảnh sắc nông thôn.

Chị Đinh Thị Thu Hy (làng Đê Chơ Gang) chia sẻ: “Ngoài trang phục truyền thống của người Bahnar, áo dài là trang phục yêu thích của chúng tôi vì nó tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ. Đây là trang phục phù hợp với mọi lứa tuổi, thích hợp trong những dịp lễ, Tết”.

Theo chị Bùi Thị Minh Dương-Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An: Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, Hội LHPN xã Phú An và Công đoàn cơ sở xã phát động toàn thể nữ cán bộ, công chức và người lao động, hội viên phụ nữ đang làm việc và sinh sống trên địa bàn xã hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động như mặc áo dài đến cơ quan, công sở làm việc, hội nghị, tọa đàm, gặp mặt, sinh hoạt chi hội...

Đồng thời, mỗi tập thể và cá nhân chụp những khoảnh khắc bình dị, đời thường nhất với áo dài, đăng hình ảnh mặc áo dài trên trang Facebook cá nhân và trang Facebook của phụ nữ xã. Hội cũng khuyến khích chị em tham gia ủng hộ, trao tặng áo dài, vải may áo dài cho hội viên phụ nữ chưa có trang phục dân tộc.

“Chúng tôi hy vọng cuộc thi ảnh trực tuyến sẽ lan tỏa hình ảnh bình dị, đời thường nhưng xinh đẹp của phụ nữ trong tà áo dài. Từ đó truyền cảm hứng đến đông đảo hội viên, nhất là chị em phụ nữ ở nông thôn, người dân tộc thiểu số để mọi người thấy gần gũi, cảm nhận được vẻ đẹp đầy sức sống của tà áo dân tộc”-Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Về nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Về nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), nhưng ông sinh ngày 1/5/1904 tại Thành An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vùng đất sinh ra đồng chí Trần Phú cũng là một nơi sơn thủy hữu tình, “địa linh nhân kiệt” và ghi dấu sự hình thành vùng đất Phú Yên.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Những cánh hoa bay

Những cánh hoa bay

(GLO)- Có những cung đường đã theo ta suốt từ những năm tháng tuổi thơ cho đến ngày mái tóc đã bắt đầu lấm chấm sợi trắng. Những cung đường ấy mỗi lần ngang qua là một trời ký ức ùa về. Nơi đó có những cây chò nâu cao vút, những đứa trẻ nhặt đầy tay những cánh hoa xoay xoay cuốn theo chiều gió.

Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.