Giải "cơn khát" cho cánh đồng Ya Chor

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau bao năm mong đợi, công trình kênh thủy lợi làng Ó (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng đã được triển khai xây dựng và đang dần hoàn thiện. Công trình được kỳ vọng sẽ giải cơn khát cho cánh đồng Ya Chor và cấp nước tưới cho cây trồng trên địa bàn xã.
Ông Rơ Châm A Lối-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho hay: Từ lâu, người dân rất mong mỏi công trình này. Cánh đồng Ya Chor rộng hơn 100 ha nhưng trước đây chỉ canh tác lúa 1 vụ vì thiếu nước tưới. Mãi đến năm 2018, dự án kênh thủy lợi làng Ó được triển khai với tổng chiều dài hơn 7 km. Bà con nông dân trong xã rất mừng.
Công trình có quy mô cấp IV, tổng kinh phí đầu tư 18 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ia Grai làm chủ đầu tư. Công trình lấy nước từ kênh chính hồ chứa nước Biển Hồ (TP. Pleiku) và cung cấp nước tưới cho 250 ha cây trồng, trong đó có 100 ha lúa 2 vụ ở cánh đồng Ya Chor, còn lại 150 ha cà phê, hồ tiêu.
Sáng sớm, chị Rơ Châm Hik (làng Jek) đã có mặt tại cánh đồng Ya Chor để làm cỏ lúa. Gia đình chị có hơn 1 sào đất tại cánh đồng này. Cũng như nhiều hộ dân khác trong làng, bao năm qua, gia đình chị chỉ trồng lúa 1 vụ  kéo dài 6 tháng.
Chị Hik chia sẻ: “Năm nào mưa nhiều, cây lúa phát triển tốt thì mình thu khoảng 8 bao. Tuy nhiên, có năm chỉ được 3 bao. Năm ngoái, mình bỏ đất trống cả năm nên cỏ mọc um tùm. Năm nay thấy tiếc nên tiếp tục gieo trồng nhưng mưa ít quá, thiếu nước tưới nên lúa rất xấu”.
Nhìn đám ruộng phát triển không đều, chị Hik thở dài. Ảnh: Phương Dung
Chị Rơ Châm Hik (làng Jek, xã Ia Sao) bên ruộng lúa phát triển không đều do thiếu nước tưới. Ảnh: Phương Dung
Còn gia đình chị Rơ Châm Mé (làng Ó) có tới 6 đám ruộng tại cánh đồng Ya Chor nhưng năm nào cũng phải mua thêm gạo. Chỉ tay về từng đám ruộng nhấp nhô phía trước, chị Mé giải thích: “Thiếu nước tưới nên năng suất cây trồng không cao. Mới thời điểm này mà 2 đám ruộng đã bị vàng úa, khô héo hết rồi. Mình chỉ hy vọng vào mấy đám còn lại ở dưới trũng thôi”.
Chị cho biết thêm, bình quân mỗi năm, gia định chị thu 7-8 bao lúa/đám ruộng. Tuy nhiên, năm nay năng suất có khả năng sụt giảm vì lượng mưa ít. “Mình thấy ở nhiều nơi có hệ thống kênh mương dẫn nước về cánh đồng, bà con có thể canh tác lúa quanh năm. Còn ở đây chưa có kênh mương nên người dân trong làng đều trông ngóng kênh thủy lợi sớm đưa vào sử dụng”-chị Mé bày tỏ.
Riêng gia đình anh Rơ Châm Hiếu (làng Ó) là một trong số ít hộ dân có thể canh tác lúa 2 vụ nhờ chủ động nguồn nước từ hồ tự đào ngay bên cạnh 3 đám ruộng. Anh Hiếu cho biết: Hồ chứa nước được đào cách đây gần 10 năm nhằm mục đích cung cấp nước tưới cho 400 cây cà phê ngay phía trên. Về sau, anh sử dụng nước từ hồ dẫn vào ruộng lúa. Nhờ đó có thể canh tác lúa 2 vụ.
Anh Rơ Châm Hiếu (làng Ó) bên hệ thống kênh thủy lợi đi qua vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Phương Dung
Anh Rơ Châm Hiếu (làng Ó, xã Ia Sao) bên hệ thống kênh thủy lợi đi qua vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Phương Dung
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thu Hằng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Sao-thông tin: Toàn xã có 2.469 ha cây trồng, trong đó có 2.387 ha cà phê, còn lại là hồ tiêu, bời lời, lúa. Cũng theo bà Hằng, trong vụ mùa, bà con nông dân gieo trồng khoảng 270 ha lúa. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân chỉ còn 120 ha. Nguyên nhân do không có công trình thủy lợi, thiếu nước tưới. Do đó, dự án kênh thủy lợi làng Ó hoàn thành sẽ giải được bài toán nguồn nước sản xuất đã tồn tại nhiều năm qua.
Vì mong đợi công trình từ rất lâu nên hơn 100 hộ dân trong xã đã tự nguyện chặt bỏ cây trồng hiến đất phục vụ xây dựng tuyến kênh này. “Mình chặt bỏ khoảng 40 cây cà phê hiến đất làm kênh mương. Mỗi người góp một ít để kênh mương sớm hoàn thiện, bà con đều được hưởng lợi”-anh Hiếu chia sẻ.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.