Giá sầu riêng đầu vụ tăng cao, nông dân Đắk Lắk vừa mừng vừa lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá sầu riêng tăng, việc nhiều thương lái đến tận vườn để chào mời đặt cọc đã được cảnh báo có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.
Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đánh giá vườn cây và đánh giá tỷ lệ trái đủ tuổi để quyết định thời điểm thu hoạch. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đánh giá vườn cây và đánh giá tỷ lệ trái đủ tuổi để quyết định thời điểm thu hoạch. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, kéo dài từ cuối tháng 7 đến tháng 10. Năm nay, giá sầu riêng đầu vụ tăng cao, năng suất dự đoán tăng, nông dân Đắk Lắk phấn khởi.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, giá sầu riêng tăng quá cao cũng gây nên những nỗi lo cho nông dân.

Bên cạnh đó, tình hình thu mua sầu riêng trong dân với hình thức “chốt giá, đặt cọc trước” đang diễn ra nhộn nhịp ở nhiều địa phương, cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Giá tăng cao, nhộn nhịp “cọc-chốt”

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 22.458ha sầu riêng, chiếm 26,4% diện tích sầu riêng của cả nước và là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai sau tỉnh Tiền Giang.

Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân Đắk Lắk.

Một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn như Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ...

Ghi nhận tại thị xã Buôn Hồ, giá sầu riêng đang được các thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái đặt cọc thu mua giá từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá sầu riêng đầu vụ năm 2022.

Với giá như hiện nay, người trồng sầu riêng Đắk Lắk phấn khởi vì trừ chi phí sản xuất (khoảng 20.000-25.000 đồng/kg) mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, song giá lên quá cao cũng khiến nông dân lo lắng.

Gia đình chị Võ Thị Minh Hường, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk trồng 5 sào (5.000m2) sầu riêng với gần 80 cây đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 1,5 tạ/cây.

Mặc dù còn khoảng 45 ngày nữa, vườn sầu riêng của gia đình chị mới thu hoạch song đã có thương lái vào tận vườn liên hệ thu mua với giá 85.000 đồng/kg.

Chị Hường cho biết, những ngày qua, thương lái đến liên hệ để thu mua khá nhiều, ở địa phương cũng có thêm nhiều cơ sở thu mua sầu riêng.

Giá sầu riêng tăng, gia đình chị Hường rất mừng nhưng vẫn mong giá bình ổn, hợp lý để người dân thỏa thuận mua bán được.

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Hồ Bùi Thành Huỳnh cho biết, hợp tác xã hiện có 27 thành viên chính thức và liên kết với hơn 80 hộ dân, tổng diện tích canh tác gần 200ha sầu riêng.

Tình trạng thương lái, doanh nghiệp vào tận vườn để liên hệ, chào mời nhiều đáng kể so với các năm trước. Hợp tác xã đang liên kết với 3 doanh nghiệp về kỹ thuật, tiêu thụ sầu riêng. Tuy nhiên, với giá sầu riêng cao như hiện nay, một số hộ dân đã nhận cọc tiền, bán cho thương lái.

Theo nhiều nông dân, giá sầu riêng dao động khoảng 80.000 đồng/kg là hợp lý, vì sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giảm chi phí vận chuyển và hạn chế chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sầu riêng các tỉnh đã sắp hết vụ thu hoạch, chỉ còn sầu riêng Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch nên các thương lái, doanh nghiệp săn đón thu mua để có đủ nguồn hàng phục vụ xuất khẩu.

Tại huyện Cư M’gar, tình trạng thương lái vào tận vườn sầu riêng liên hệ để thu mua khiến nhiều nông dân thấy “bị làm phiền”, phải đóng cổng, từ chối tiếp khách.

Nhiều hộ trồng sầu riêng tâm huyết quyết định chờ gần đến ngày thu hoạch, đánh giá chất lượng sầu riêng và giá cả thị trường mới bán sầu riêng.

Ông Nguyễn Thạc Cảnh, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar cho biết, hiện nay, sầu riêng mới bắt đầu lên cơm, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Nếu thời tiết trong 1 tháng tới tiếp tục mưa nhiều như hiện nay, cơm sầu riêng lên màu không đẹp (không vàng) hoặc không đủ độ ngọt, làm hao sản lượng, rủi ro cho cả bên bán lẫn bên mua nếu đã chốt vườn, chốt giá trước.

Với kinh nghiệm 12 năm trồng sầu riêng, gia đình ông Cảnh đợi trái sầu riêng đủ ngày tuổi mới bán, bán là xuất hết vườn, không chốt giá trước.

Cũng theo ông Cảnh, nông dân phải có trách nhiệm tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, đẹp, như vậy sẽ không phải chạy theo giá cả thị trường, có đầu ra ổn định.

Mặc dù thời tiết năm nay có những thời điểm mưa nhiều gây rụng hoa, trái sầu riêng non hoặc nấm bệnh nhiều song vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk được dự đoán có sản lượng tăng hơn năm trước.

Nguyên nhân là diện tích sầu riêng cho thu hoạch lần đầu của tỉnh tăng khoảng 3.000 ha. Mặt khác, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá tăng, nhiều nông dân tâm huyết đầu tư vườn cây, đạt năng suất cao.

Cảnh báo hệ lụy từ “cọc-chốt”

Giá sầu riêng tăng, nhiều thương lái đến tận vườn để chào mời đặt cọc cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng bẻ cọc với doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trước đó để bán cho thương lái ảnh hưởng đến tính liên kết chuỗi trong sản xuất; tình trạng tranh mua-tranh bán có khả năng dẫn đến các khiếu kiện dân sự; thu hoạch sầu riêng khi giá cao, chưa đủ ngày tuổi.

Ông Nguyễn Thạc Cảnh, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk buộc sầu riêng, đợi sầu riêng đủ ngày tuổi mới chốt giá, thu hoạch. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ông Nguyễn Thạc Cảnh, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk buộc sầu riêng, đợi sầu riêng đủ ngày tuổi mới chốt giá, thu hoạch. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Trên thực tế, những năm trước đã có trường hợp thương lái đặt cọc song chỉ mua sầu riêng loại 1 với giá đã cam kết, còn lại sầu riêng nhỏ, quá to hoặc xấu sẽ bị ép giá, neo vườn cây, ảnh hưởng tới năng suất của vụ sau. Chưa kể, nhiều hợp đồng không rõ ràng sẽ khiến nông dân “dở khóc dở cười.”

Ông Nguyễn Đình Kế, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết 1,3 ha sầu riêng của gia đình ông khoảng 45 ngày nữa cho thu hoạch.

Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn; trong đó, có bạn bè, người thân của ông Kế khi chốt giá và nhận cọc trước đã gặp phải nhiều rủi ro.

Chẳng hạn như, trong hợp đồng không ghi rõ là thu mua sầu Dona, sầu Ri6, mà ghi là sầu cơm vàng da xanh, gai nhím. Nếu sầu riêng đến ngày đủ tuổi để thu hoạch, giá thị trường thấp hơn so với giá đã chốt, có thương lái “trở mặt” bảo không đúng loại sầu riêng cam kết trong hợp đồng.

Hoặc hợp đồng không ghi ngày trả vườn, sau khi thương lái thu mua sầu riêng loại 1, neo vườn, để sầu rụng, chủ vườn xót ruột sẽ phải đồng ý bán số lượng còn lại với giá rẻ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar Nguyễn Ngọc Giao cho biết, để chuẩn bị cho vụ sầu riêng năm 2023, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức hội nghị kết nối với 10 doanh nghiệp về thu mua, xuất khẩu sầu riêng và thực tiễn doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng, đây là tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất sầu riêng.

Tuy nhiên, đầu vụ sầu riêng năm 2023, nhiều thương lái ở nơi khác đến huyện, thông qua môi giới, đến tận vườn, chốt giá cao hơn. Nhiều hộ dân trồng lẻ đã trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp, chốt giá với thương lái, song có nhiều hộ dân tỉnh táo, giữ chữ tín trong sản xuất.

Trước tình hình thu mua sầu riêng trên địa bàn ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, bám sát tình hình sản xuất, giá cả, thị trường tiêu thụ sầu riêng của địa phương.

Ủy ban Nhân dân cấp huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân thu mua sầu riêng phải cam kết thực hiện đúng nội dung tiêu chuẩn ngành, nghiêm cấm không được thu mua sầu riêng trộm cắp, không đảm bảo theo quy định.

Cùng đó, hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng theo tiêu chuẩn quy định; có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép cấp phân hạng, ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình hình thu mua sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang rất “nóng,” chạy theo giá cả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng.

Trong tháng 7 vừa qua, Hiệp hội đã tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân, thông tin về thị trường, giá cả, tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của các nước, diễn biến tiêu thụ sầu riêng ở các tỉnh vừa trải qua mùa thu hoạch.

Hiệp hội khuyến cáo, nông dân bình tĩnh, theo dõi sát thông tin thị trường và vườn cây, đợi vườn cây đủ ngày tuổi rồi chốt giá và bán. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị chính quyền từ huyện đến thôn, buôn tích cực vào cuộc theo dõi, có giải pháp can thiệp kịp thời tình trạng “tranh mua, tranh bán” như hiện nay.

Sầu riêng có giá trị kinh tế cao, mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân Đắk Lắk, song sầu riêng là cây trồng khi chín có thời hạn thu hoạch ngắn, nếu để quá ngày sẽ rụng trái và làm cây kiệt sức.

Do vậy, nông dân Đắk Lắk mong muốn chính quyền các cấp, ngành chức năng quản lý các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua tại địa bàn; có giải pháp để bình ổn giá sầu riêng, tạo môi trường mua-bán lành mạnh, ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, do giá cả chưa bình ổn và còn biến động, nông dân trồng sầu riêng Đắk Lắk cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định, xem xét kỹ hợp đồng mua bán, quan tâm đến liên kết lâu dài trong sản xuất và tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền sở tại để có vụ thu hoạch sầu riêng thành công, lợi nhuận.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.