Gia Lai: Ưu tiên đào tạo bác sĩ gây mê hồi sức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 13/2012/TT-BYT ngày 20-8-2012 của Bộ Y tế, nhân lực tối thiểu cho mỗi ca phẫu thuật gồm 1 bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS), 1 điều dưỡng viên GMHS, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài và 1 hộ lý. Quy định là thế, nhưng hiện nay nhiều trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh không có bác sĩ GMHS dẫn đến nhiều trường hợp phẫu thuật phải chuyển tuyến, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với ông MAI XUÂN HẢI-Giám đốc Sở Y tế.
* P.V: Thưa ông, hiện toàn tỉnh có bao nhiêu bác sĩ nói chung, bác sĩ GMHS nói riêng và cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ GMHS?
 Ông Mai Xuân Hải.
Ông Mai Xuân Hải.
- Ông MAI XUÂN HẢI: Hiện toàn ngành có 887 bác sĩ; trong đó, bác sĩ sau đại học là 291; tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 7,69; bác sĩ làm việc thường xuyên tại xã là 171, còn lại làm việc tuyến tỉnh và huyện.
Trên địa bàn tỉnh có 76 cán bộ y tế thuộc lĩnh vực GMHS; trong đó 3 bác sĩ chuyên khoa I GMHS; 5 bác sĩ đang theo học lớp chuyên khoa I về GMHS (giai đoạn 2017-2019), 3 bác sĩ đã học xong lớp chuyên khoa định hướng GMHS (12 tháng) và 7 bác sĩ chuyên khoa định hướng (từ 3, 6, 9 tháng); số còn lại là cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng về GMHS.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 2 bác sĩ chuyên khoa I GMHS; 1 bác sĩ đang học GMHS và 1 bác sĩ học định hướng GMHS. Trung tâm Y tế huyện Kbang có 1 bác sĩ chuyên khoa I GMHS. Các đơn vị như Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, Krông Pa và Ia Pa mỗi đơn vị có 1 bác sĩ đang theo học lớp chuyên khoa I về GMHS. Trung tâm Y tế TP. Pleiku có 1 bác sĩ học định hướng GMHS 12 tháng và hiện đang tiếp tục theo học lớp 6 tháng, 1 bác sĩ đang học định hướng GMHS 6 tháng. Ngoài ra, 7 bác sĩ thuộc Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Grai, Đak Đoa đang học chuyên khoa định hướng GMHS từ 3, 6, 9 tháng.
* P.V: Theo quy định, mỗi ca phẫu thuật đều phải có bác sĩ GMHS. Tuy nhiên, hiện nhiều trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố không có bác sĩ GMHS nên buộc phải chuyển tuyến để phẫu thuật dẫn đến quá tải cho một số cơ sở khám-chữa bệnh. Vậy ngành Y tế có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Ông MAI XUÂN HẢI: Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phẫu thuật theo Thông tư 13/2012/TT-BYT, ngày 17-7-2018, Sở Y tế có Công văn số 949/SYT-NVY gửi Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị hỗ trợ đào tạo bác sĩ GMHS cho Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê và Ayun Pa. Bệnh viện Trung ương Huế đã phản hồi tại Công văn 1019/BVH ngày 11-9-2018 về việc hỗ trợ chuyên môn lĩnh vực GMHS cho Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê và Ayun Pa, đồng thời đào tạo nâng cao tay nghề cho các bác sĩ GMHS của các Bệnh viện Đa khoa khu vực theo phương thức tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo quy định của Bộ Y tế, một ca phẫu thuật phải có bác sĩ GMHS. Ảnh: N.N
Theo quy định của Bộ Y tế, một ca phẫu thuật phải có bác sĩ GMHS. Ảnh: N.N
Ngoài ra, Sở Y tế còn có công văn gửi Bệnh viện Quân y 211 và đã được bệnh viện này chấp thuận hỗ trợ 2 bác sĩ GMHS cho Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Sở Y tế cũng có công văn chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử một bác sĩ GMHS giúp Bệnh viện Nhi trong thời gian bác sĩ GMHS của bệnh viện này được cử đi đào tạo.
Trong khi chờ bác sĩ GMHS các trung tâm y tế huyện về nhận nhiệm vụ sau đào tạo, Sở Y tế đã làm việc với cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh và thống nhất cho các trung tâm y tế huyện có bác sĩ GMHS đang đào tạo và đã được đào tạo nhưng chưa đủ thời gian thực hành theo quy định được mổ những ca cấp cứu (những ca phẫu thuật này các trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa khu vực đã thực hiện trước đây), còn những ca trung-đại phẫu, mổ phiên không phải cấp cứu thì chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
* P.V: Về lâu dài, ngành Y tế tỉnh sẽ làm gì để đảm bảo nguồn bác sĩ GMHS phục vụ công tác khám-chữa bệnh  cho người dân? 
- Ông MAI XUÂN HẢI: Sở Y tế đã có chủ trương chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh triển khai đăng ký nhu cầu bác sĩ học chuyên khoa GMHS. Đồng thời, ngày 27-8-2018, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1158/SYT-TCCB về việc ưu tiên đào tạo bác sĩ học chuyên khoa I GMHS; chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh trực thuộc khẩn trương thực hiện để đáp ứng nhu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh văn bản xin ý kiến Bộ Y tế về việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tại cơ sở khám-chữa bệnh; đồng thời có công văn đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh xem xét, thanh-quyết toán cho các cơ sở khám-chữa bệnh thực hiện phẫu thuật, thủ thuật trong những trường hợp cấp cứu khi các đơn vị chưa có bác sĩ chuyên khoa GMHS.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.