Gia Lai triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 29-8, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định và các Phó Giám đốc Sở: Nguyễn Văn Long, Trần Bá Công chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; UBND và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Ảnh: Trần Dung
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Ảnh: Trần Dung

Nhiều kết quả quan trọng

Năm học 2023-2024 diễn ra trong thời điểm toàn ngành Giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; là năm bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nhận định: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương và các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên; sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, học viên, toàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long nêu rõ: Ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã quyết tâm thực hiện tốt chủ đề của năm học 2023-2024 “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Toàn tỉnh Gia Lai có 759 trường mầm non, phổ thông với 407.921 học sinh/12.045 lớp. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc, giáo dục mũi nhọn đều tăng. Cụ thể: Chất lượng giáo dục đại trà thể hiện qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 98,84% (tăng 1,05% so với năm 2023); chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi quốc gia đạt 42,22% (có 38/90 thí sinh dự thi đạt giải), tăng 2,5% so với năm học 2023-2024.

Cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 có 75 dự án tham gia. Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có 1 dự án đạt giải tư. Ở cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, Gia Lai cũng có 1 dự án đạt giải ba. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Gia Lai có cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia. Đoàn vận động viên tham gia Hội khỏe phù đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 đã đạt được 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 20 huy chương đồng; được xếp vị trí thứ 2 trong Top 10 tỉnh miền núi xuất sắc.

Quang cảnh nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Ảnh: Trần Dung

“Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đạt các chỉ tiêu, mục tiêu của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành 7 kế hoạch cho ngành Giáo dục để triển khai các nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn 2021-2025. Qua 3 năm triển khai thực hiện ngành giáo dục đã đạt được những kết quả như: Trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh 482/756 trường, đạt 63,75% (tăng 13,22% so với năm 2020); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, gồm: Mẫu giáo đạt 93,2%, tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 96,5% và THPT đạt 58,7%. Công tác xóa mù chữ 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn; chỉ số cải cách hành chính của Sở GD-ĐT năm 2023 xếp thứ hạng 09/20 các sở, ngành (tăng 3 bậc so với năm 2022)”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long thông tin.

Để đánh giá sâu sắc thêm những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, đặc biệt là để nhận diện rõ nét những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai cho năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đề nghị đại biểu thẳng thắn, tích cực trao đổi, góp ý để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, thống nhất nhiệm vụ và giải pháp cho năm học mới thắng lợi.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của ngành trong năm học 2023-2024 và đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thời gian đến. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Quan tâm đầu tư nguồn lực cho giáo dục, mở rộng hệ thống trường nội trú, bán trú để huy động học sinh DTTS vùng khó khăn ra lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; quan tâm chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 7 kế hoạch lớn của ngành giai đoạn 2021-2025; việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai chưa được thực hiện; công tác phân luồng học sinh sau THCS; công tác duy trì sĩ số học sinh…

Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku Nguyễn Đình Thức nêu giải pháp để công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học đạt hiệu quả. Ảnh: Trần Dung

Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku Nguyễn Đình Thức nêu giải pháp để công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học đạt hiệu quả. Ảnh: Trần Dung

Trăn trở về những khó khăn của địa phương trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Chro Nguyễn Thanh Phong nêu rõ: Hiện nay, huyện có 15/32 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 46,88%. Là huyện nghèo của tỉnh, ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất xây dựng trường chuẩn còn hạn hẹp. Đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh. Cùng với đó, tiến độ triển khai bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cho các trường giai đoạn 2021-2025 nhìn chung còn chậm. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học còn thiếu so với vị trí việc làm và so với chỉ tiêu được giao. Cơ sở vật chất của các trường học vẫn còn thiếu nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT. Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nhu cầu vui chơi của trẻ.

“Xem chất lượng giáo dục là vấn đề then chốt, Ban Giám hiệu các trường cũng như từng giáo viên, cán bộ trong đơn vị cần nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục, từ đó tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện thành công yêu cầu đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các trường tích cực tham mưu chính quyền địa phương phân bổ vốn đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn vốn trung hạn 2021-2025 và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Chro nêu giải pháp.

Dịp này, hội nghị đã công bố Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nay Der của tỉnh hỗ trợ 880 suất học bổng cho năm học 2023-2024 (mỗi suất học bổng trị giá 800.000 đồng) và 200 suất cho học sinh nghèo, học sinh người DTTS đạt kết quả khá, giỏi trong học tập để kịp thời động viên, khích lệ học sinh vào dịp khai giảng năm học mới 2024-2025 (mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng).

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai nhận biển tượng trưng của Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 55 suất học bổng cho học sinh THPT vượt khó, học tốt năm học 2023-2024 (mỗi suất 1 triệu đồng).

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở GD-ĐT trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 49 cán bộ, giáo viên khối THPT của tỉnh đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021 và năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022.

Đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh. Mỗi nhà trường THPT phải xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn từ các môn học và xây dựng các chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Để triển khai tốt công tác này, ông Ngô Thanh Hà-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang)-cho rằng: Năm học 2023-2024, nhà trường đã tổ chức, sắp xếp 4 lớp theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt nhằm đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh. Học sinh ngồi học tại các lớp chính (tính theo 8 môn cố định), phân công giáo viên chủ nhiệm lớp, quản lý học sinh, vào điểm, đánh giá nhận xét, in học bạ theo danh sách lớp chính.

“Đến tiết học của các môn lựa chọn và chuyên đề, học sinh học theo lớp bố trí riêng cho từng môn học. Thời khóa biểu được xếp xen kẽ trong các buổi học chính khóa, các lớp học riêng theo môn học được sắp xếp, đồng thời để học sinh lớp ghép ở các lớp khác nhau đổi chéo lớp học, tránh trống tiết, tăng buổi”- ông Hà cho biết.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai nhận biển tượng trưng của Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 55 suất học bổng cho học sinh THPT vượt khó, học tốt năm học 2023-2024. Ảnh: Trần Dung

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai nhận biển tượng trưng của Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 55 suất học bổng cho học sinh THPT vượt khó, học tốt năm học 2023-2024. Ảnh: Trần Dung

Đề cập đến công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học đạt hiệu quả, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku Nguyễn Đình Thức chia sẻ: “Học bạ số triển khai phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục và nhà cung cấp dịch vụ, phần mềm. Điều này đảm bảo việc triển khai diễn ra kịp thời và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và nghiệp vụ. Tiếp tục tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên và cán bộ quản lý về kỹ năng sử dụng phần mềm để vận hành hệ thống học bạ số hiệu quả; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục để tạo động lực và sự nhiệt tình cho các cán bộ, giáo viên. Cùng với đó, huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân để đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết cho việc triển khai học bạ số”.

Để thực hiện đạt hiệu quả toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm học 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đề nghị toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 7 kế hoạch lớn của ngành giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt chất lượng. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tập trung triển khai thực hiện 10 phương hướng của Bộ GD-ĐT đề ra trong năm học 2024-2025 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho cán bộ, giáo viên khối THPT đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Trần Dung

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho cán bộ, giáo viên khối THPT đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Trần Dung

“Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành giáo dục tỉnh nhà sẽ phát huy thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2024 của tỉnh”-Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.