Back to school 2024: Học sinh chuẩn bị gì trước thềm năm học mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau kỳ nghỉ hè dài ngày, đa số các bạn học sinh đã quen với nhịp sống mới, chơi nhiều hơn, bỏ dần thói quen học bài dẫn đến những lỗ hổng kiến thức do bị “lãng quên”… Do đó, học sinh cần chuẩn bị gì để bước vào năm học mới một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, các “búp măng non” Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung chào đón năm học mới 2024-2025. Đây là thời điểm, các bạn học sinh bắt đầu chuẩn bị cho bản thân một tinh thần tốt và đề ra những mục tiêu để dần đưa bản thân trở lại với nền nếp học tập.

Các bạn học sinh chủ động trang bị những hành trang cần thiết trước thềm năm học 2024-2025. Ảnh: Đồng Lai

Các bạn học sinh chủ động trang bị những hành trang cần thiết trước thềm năm học 2024-2025. Ảnh: Đồng Lai

Và việc làm đầu tiên của nhiều bạn học sinh là trang trí lại góc học tập của mình để khởi động cho năm học mới. Góc học tập là nơi tạo nguồn cảm hứng và khơi dậy niềm yêu thích, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của mỗi học sinh. Tùy theo sở thích, mỗi bạn sẽ có những cách trang trí, sắp xếp riêng phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Bạn Hoàng Ngọc Linh (17 tuổi, thôn Thắng Trạch, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Em tiến hành decor lại góc học tập của mình bằng tông màu hồng pastel và trưng thêm vài chậu hoa mini, treo thêm các sticker… để tạo hứng thú trong học tập”.

Ngoài dọn dẹp, setup lại góc học tập thì hành trang không thể thiếu để bước vào năm học mới là mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập.

“Đặc biệt, đây là năm học cuối bậc THPT-năm học quyết định đến tương lai của em sau này. Do đó, ngay từ bây giờ, em tập trung củng cố lại những kiến thức đã học cũng như làm quen với kiến thức mới nhằm chuẩn bị hành trang tốt nhất cho năm học cuối cấp. Em sẽ cố gắng hết sức để có thể bước chân vào giảng đường đại học và theo đuổi mơ ước của mình cũng như không phụ lòng sự kỳ vọng của bố mẹ”-bạn Linh hào hứng nói.

Để có một năm học thuận lợi, đạt được kết quả như mong muốn thì các em học sinh cần lập cho bản thân những dự định, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Điều này, giúp các em chủ động trong việc học tập, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức và dễ dàng điều chỉnh lại khi cần thiết.

Đơn cử, bạn Hoàng Như Ý (15 tuổi, cùng thôn Thắng Trạch) chia sẻ: Đây là năm đầu tiên của bậc THPT, bản thân em khá bỡ ngỡ vì bước vào môi trường mới, bạn mới, kiến thức hoàn toàn mới. Nhưng em khá may mắn vì được chị hai (năm nay học lớp 12) truyền lại kinh nghiệm để bước vào năm lớp 10 dễ dàng hơn, đỡ áp lực tâm lý.

Ý chia sẻ: “Trước khi bước vào năm lớp 10, em ghi lại những điều đã làm được và chưa được ở năm lớp 9; đồng thời, tự đánh giá bản thân và đề ra những mục tiêu cho năm học mới. Từ đó, tạo nguồn cảm hứng và thúc đẩy em thực hiện những điều chưa làm được, khắc phục những nhược điểm cũng như phát huy những ưu điểm của bản thân”.

Bên cạnh đề ra những mục tiêu cho năm học mới, Ý còn chủ động đọc sách và xem các bài giảng online để tự tin hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng của thầy cô trên lớp và không bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức mới. Qua đó, em có thể tìm ra được những phương pháp học tập tốt hơn cho năm học tiếp theo.

“Năm lớp 10 là năm học quan trọng với học sinh bởi đây là năm cần lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp sau này”-bạn Ý chia sẻ thêm.

Ngoài việc trang bị những kiến thức, đề ra các mục tiêu thì mỗi học sinh cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý để đầu óc được thư giãn, nạp đầy năng lượng sẵn sàng bước vào năm học mới.

Bạn Trần Anh Kiệt thường chơi đàn sau thời gian học tập căng thẳng. Ảnh: Đồng Lai
Bạn Trần Anh Kiệt thường chơi đàn sau thời gian học tập căng thẳng. Ảnh: Đồng Lai

Bạn Trần Anh Kiệt (16 tuổi, tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho biết: “Để bước vào năm học mới đạt kết quả tốt hơn thì vừa qua, bố mẹ thưởng cho em một chuyến du lịch biển tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Hiện tại, ngoài việc chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, củng cố kiến thức đã học… bản thân em luôn duy trì thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng”.

Trao đổi với P.V, anh Võ Văn Quang-Giám đốc Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (96 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho rằng: “Muốn tiếp thu kiến thức mới, mỗi học sinh hãy tự hệ thống và ôn tập để nắm chắc kiến thức đã học của các môn học và dành thời gian nghiên cứu trước một số môn yêu thích. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập thiết yếu và quan tâm đến rèn luyện sức khỏe để bước vào năm học mới với sự khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần”.

Trước thềm năm học mới, học sinh nên chuẩn bị đồ dùng cần thiết trong học tập và trang bị thêm các kỹ năng mềm để có một năm học thành công. Ảnh: Đồng Lai
Trước thềm năm học mới, học sinh nên chuẩn bị đồ dùng cần thiết trong học tập và trang bị thêm các kỹ năng mềm để có một năm học thành công. Ảnh: Đồng Lai

Còn chị Đỗ Thị Cẩm Ly-Giáo viên tiếng Anh cấp cao Trung tâm ngoại ngữ Lalisa (238B Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Với vai trò là một giáo viên đã có kinh nghiệm giảng dạy và đứng lớp nhiều năm thì theo tôi, trước khi bước vào năm học mới, học sinh cần chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập và đồng phục đi học. Bên cạnh đó, các bạn nên đề ra cho bản thân một thời gian biểu và chuẩn bị một tinh thần, sức khoẻ thật tốt. Ngoài ra, trang bị thêm cho mình các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp ứng xử hay kỹ năng làm việc nhóm là điều không kém quan trọng”.

Đối với mỗi người trẻ-những chủ nhân của tương lai của đất nước thì việc học rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong xu thế hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, mỗi người đều cần trang bị tri thức nền tảng, học kỹ năng mềm, học cách đối nhân xử thế để để sau này thành công và có một tương lai tươi sáng.

Clip: Back to school 2024: Học sinh chuẩn bị gì trước thềm năm học mới? Thực hiện: Đồng Lai

Có thể bạn quan tâm

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Xu hướng kết hôn muộn có đáng lo?

Trước đây, thời ông bà, cha mẹ, “trai 18, gái 20” là đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đến thế hệ 7X, 8X, giai đoạn 20-25 tuổi là độ tuổi đẹp nhất để yêu và kết hôn. Song hiện nay, nhiều bạn trẻ 9X ngoài 30 tuổi vẫn chưa vội yêu và lập gia đình.

Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Để giúp thế hệ gen Z tránh bị lạc trong những mê cung trên mạng xã hội, các chuyên gia về truyền thông xã hội, tâm lý học đã đưa ra những khuyến nghị giúp nâng cao khả năng quản trị cảm xúc và “chậm lại” đi tìm những giá trị thông tuệ, góp phần xây dựng một xã hội vững bản sắc.