Gia Lai: Tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 9-6, tại Trụ sở Viettel Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì hội nghị.

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 284 trường có bậc tiểu học với 972 điểm trường; trong đó có 210 trường tiểu học, 72 trường tiểu học và THCS và 2 trường phổ thông dân lập tiểu học, THCS và THPT. Đối với lớp 1 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có 1.259 lớp với 37.636 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm 50,8%). Tổng số giáo viên dạy lớp 1 là 1.986 người, đạt 1,57 giáo viên/lớp.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà


Mặc dù là năm học đầu tiên thực hiện lại diễn ra trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả. Công tác lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị lực lượng giáo viên, bồi dưỡng thực hiện chương trình, tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 1 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Phòng học cơ bản đủ để tổ chức dạy học ít nhất 7 buổi/tuần. Việc tổ chức dạy học theo chương trình ở 2 bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đối với từng môn học, hoạt động giáo dục và theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Hoạt động chuyên môn của giáo viên được chú trọng và từng bước đổi mới...

Kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 đạt 94,8% (cao hơn 0,7% so với năm học 2019-2020). Chất lượng học tập của học sinh thay đổi tích cực, nhất là ở môn Tiếng Việt; kỹ năng đọc, viết và tính toán của học sinh vững vàng và chắc chắn hơn. Thêm vào đó, học sinh được tạo cơ hội, điều kiện để phát triển thông qua nhiều hoạt động học tập, giáo dục, trải nghiệm mang tính kết nối, liên hệ với thực tiễn và đời sống.

Tại hội nghị, các địa phương, nhà trường và giáo viên đã tập trung đánh giá kết quả đạt được; đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 tại đơn vị. Trên cơ sở này, nhiều giải pháp cụ thể cũng được đưa ra nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình trong những năm tiếp theo.

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi ghi nhận nỗ lực của các Phòng GD-ĐT, nhà trường và giáo viên trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 năm học 2020-2021; đồng thời yêu cầu những đơn vị nào chưa tổ chức tổng kết nhanh chóng triển khai để đánh giá, rút kinh nghiệm cho thời gian đến. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo công bằng, khách quan; tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Các Phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND cấp huyện dành nguồn ngân sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và quan tâm biên chế giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học; tăng cường kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phải nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện chương trình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.