Dự án 8 được triển khai tại 42 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II, khu vực I của 15 huyện, thị xã của tỉnh. Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thị trấn và thôn, làng đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo; nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về; người khuyết tật.
Các địa phương triển khai hiệu quả Dự án 8 chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị. Ảnh: Minh Châu |
Sau 1 năm triển khai, các địa phương đã thành lập, vận hành một số mô hình cốt lõi của dự án. Toàn tỉnh đã thành lập 80 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 11 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; thành lập mới 5 mô hình “Địa chỉ tin cậy” và củng cố 12 mô hình hiện có. Các mô hình, CLB, hoạt động của Dự án 8 ngày càng thu hút nhiều hội viên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tham gia, mở ra cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn 2 tỷ 307 triệu đồng (đạt 24,5%) trong quá trình triển khai dự án.
Hội nghị cũng nêu ra những khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai dự án như: nguồn vốn phân bổ lớn nhưng chưa giải ngân được; cán bộ hội chưa có kinh nghiệm trong thực hiện dự án mới nên có những nội dung còn lúng túng; một số địa phương triển khai các hoạt động liên quan đến 4 nội dung còn chậm, muộn so với kế hoạch; các văn bản hướng dẫn có những nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án tại cơ sở.
Tại hội nghị, một số địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả dự án đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Các đại biểu cũng thảo luận những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để triển khai hiệu quả Dự án 8 trong thời gian tới.