Gia Lai: Tham gia ý kiến xây dựng chương trình giáo dục địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 8-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng chương trình tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Thi

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các nhà khoa học, nhà giáo tham gia biên soạn chương trình.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã chủ động triển khai các nội dung biên soạn và thẩm định tài liệu GDĐP; xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nội dung trọng tâm và thời gian thực hiện; đồng thời, tổ chức hội thảo, tập huấn cho các thành viên của Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP nhằm xác định chương trình khung, nội dung các lĩnh vực và phân công người biên soạn cho từng lĩnh vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thi


Công tác biên soạn được thực hiện theo kế hoạch và định hướng. Ban biên soạn đã xây dựng dự thảo chương trình khung tài liệu GDĐP của 3 bậc học và lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương cùng các đơn vị liên quan để tiến hành biên soạn nội dung chi tiết. Riêng bậc THCS đã chuyển cho dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất (giai đoạn 2) hoàn thiện chương trình chi tiết và biên soạn nội dung. Dự kiến tài liệu GDĐP sẽ được tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 6-2021.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể cho từng khung chương trình tài liệu GDĐP tương ứng với từng bậc học, khối lớp. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: chương trình GDĐP phải song hành liền mạch với sách giáo khoa cùng cấp; cân nhắc, điều chỉnh lại một số tên gọi, từ ngữ cho hợp chuẩn khi đưa vào sách; lựa chọn những nội dung phù hợp, mang tính tiêu biểu của địa phương để học sinh dễ tiếp nhận, tránh phức tạp dẫn đến khó hiểu; bổ sung thêm về kiến thức chính trị, xã hội; sắp xếp lại các chủ đề sao cho có sự liên kết và hợp lý từ lớp 1 đến lớp 12, tránh trùng lặp, đảm bảo đúng nguyên tắc khoa học và phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nội dung hướng nghiệp...

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thi
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thi


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch ghi nhận sự nỗ lực của Sở GD-ĐT và Ban biên soạn trong việc xây dựng chương trình tài liệu GDĐP. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT họp bàn với Ban Biên soạn, bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT với 3 nhóm vấn đề gồm: văn hóa-lịch sử truyền thống của địa phương; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; chính trị-xã hội, môi trường của địa phương để hoàn thiện khung chương trình. Chú trọng lồng ghép nội dung bảo tồn các giá trị văn hóa-lịch sử gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ để phát triển du lịch; phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu; tăng thời gian tham quan trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; khơi dậy niềm tự hào dân tộc từng dân tộc...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu việc biên tập nội dung tài liệu phải chuẩn theo văn phong chính luận. Các sở, ban, ngành liên quan cần đồng hành, hỗ trợ Sở GD-ĐT sớm hoàn thiện khung chương trình tài liệu GDĐP để báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.