Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, nổi cộm là ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và nội tạng cóc. Cụ thể: năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ và 1 ca ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và nội tạng cóc làm 14 người mắc, 13 người đi viện và 3 người tử vong. Trong 2 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và nội tạng cóc với 5 người ăn phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 2 người tử vong.
Hai bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) vì ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. Ảnh: Như Nguyện |
Để ngăn ngừa thực trạng trên, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh) chủ trì xây dựng, ban hành các ấn phẩm truyền thông về phòng-chống ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. Phối hợp với các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh, Ban Chỉ đạo liên huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức để thay đổi nhận thức, hành vi ăn thịt cóc.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp nhận thông tin, tổ chức điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân vụ ngộ độc, xử lý nhanh, khuyến cáo kịp thời khi có ngộ độc xảy ra.
Các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ và nội dung được giao tại công văn này chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc xảy ra do ăn thịt cóc và các sản phẩm từ cóc. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh là thành viên Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc chế biến thịt cóc làm thực phẩm đến các hội viên, đoàn viên thanh niên trong đó chú trọng các hội viên, đoàn viên thanh niên là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành tuyến xã tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc; chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt tại cộng đồng đặc biệt là vùng có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các vùng người dân có thói quen làm thịt cóc làm thực phẩm, trong đó khuyến cáo người dân không bắt cóc làm thịt ăn. Đồng thời, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong cóc. Khi có sự cố về an toàn thực phẩm cần thông tin ngay cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để kịp thời phối hợp tổ chức điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân vụ việc.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu