Gia Lai tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai khá đồng bộ giúp DN có thể phòng ngừa rủi ro pháp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh. 
Bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp-cho biết: “Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trong giai đoạn 2015-2020, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với 20 sở, ban, ngành, UBND 14 huyện, thị xã, thành phố giúp DN nắm bắt được các thông tin pháp lý cũng như thông tin về chủ trương, chính sách thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Sở cũng đã thực hiện 2 cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho DN”.
Trong giai đoạn này, Sở Tư pháp cũng đã tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu có nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất, kinh doanh tới hơn 250 DN là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức đấu giá tài sản… trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: “Đối với các DN nhỏ và vừa, việc nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật là hết sức cần thiết để phòng tránh được rủi ro trong kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, DN phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, từ thành lập đến tiếp xúc với các cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… Cho nên, với cộng đồng DN, những cuốn cẩm nang mà Sở Tư pháp phát hành có ý nghĩa rất thiết thực. Điều đáng ghi nhận là tài liệu này được biên soạn dưới hình thức những câu hỏi đáp rất dễ hiểu”.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp những thắc mắc của DN liên quan tới thủ tục pháp lý về đất đai
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan tới thủ tục pháp lý về đất đai. Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh việc biên soạn và phát hành 61.465 cuốn sổ tay phổ biến, giáo dục pháp luật ở thôn, làng, khu dân cư, Sở Tư pháp còn lồng ghép phổ biến một số quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các tài liệu này sau khi thẩm định được số hóa đã đăng tải lên Tủ sách pháp luật điện tử của Sở Tư pháp tại địa chỉ: http://stp.gialai.gov.vn/linhvuc-tuphap/pb-gd-pl/TSPL-STPGL/Tusach-PL-dientu.aspx nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cũng như tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ưu tiên tập trung vào 3 nhóm là cung cấp thông tin pháp lý (pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến DN nhỏ và vừa); bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; tổ chức đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho DN.
“Riêng trong năm 2021, Sở sẽ tiếp tục cập nhật và đăng tải văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhỏ và vừa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đồng thời cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của tòa án, phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến DN được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan lên Cổng thông tin điện tử tỉnh hoặc kết nối với Trang thông tin điện tử công khai bản án, quyết định của tòa án.
Cùng với đó là tổ chức các chương trình, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lãnh đạo và người lao động, người phụ trách công tác pháp chế của DN nhỏ và vừa cũng như tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại để cung cấp thông tin pháp lý, giải quyết vướng mắc của DN về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN nhỏ và vừa”-bà Lê Thị Ngọc Lam thông tin thêm.
HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.