Gia Lai quan tâm đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến tháng 9-2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Gia Lai mới đạt 37,53%. Vì vậy, các ngành, địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng.         

Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 65.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề và phần lớn đều tìm được việc làm. 81% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, thu nhập cao hơn. Ngoài lực lượng lao động nông thôn, những lao động học nghề theo hướng tập trung, chuyên nghiệp cũng rộng mở cơ hội việc làm. “Hiện toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 6.000 lao động và hơn 80% tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Với những chuyển biến tích cực trong hoạt động đào tạo nghề, kỹ năng của lực lượng lao động trong tỉnh dần dần được khẳng định”-ông Hải thông tin.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề số 21 học nghề công nghệ ô tô. Ảnh: Đinh Yến
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề số 21 học nghề công nghệ ô tô. Ảnh: Đinh Yến



Trên thực tế, những người có chuyên môn, tay nghề vững vàng thường được “săn đón” trên thị trường lao động. Anh Nguyễn Đình Minh-cựu sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai-chia sẻ: “Sau 3 năm học nghề hàn, tôi không mất thời gian xin việc mà được nhiều doanh nghiệp gửi thông tin về nhà trường tuyển dụng. Hiện tôi đang làm vận hành máy ép nhựa tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh với mức lương 13-15 triệu đồng/tháng”.

Còn anh Hnum (làng O Yô, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) thì cho hay: Anh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề xây dựng, chủ yếu do tự học và những người đi trước truyền dạy. Đến năm 2020, anh mới theo học khóa đào tạo nghề xây dựng dành cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa học, anh thành lập đội xây dựng gồm 10 người chuyên nhận các công trình làm nhà ở cho người dân trong vùng. “Sau khóa học nghề 3 tháng, tôi được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng nên rất tự tin trong công việc. Đội thợ xây của tôi cũng có nhiều đơn hàng, thu nhập ổn định, bình quân trên 10 triệu đồng/tháng/người”-anh Hnum vui mừng nói.

Phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng lao động qua đào tạo ở Gia Lai còn thấp so với cả nước. Tính đến tháng 9-2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh mới đạt 37,53%. Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Hiện có khoảng hơn 100 doanh nghiệp, đơn vị đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo nghề. Vừa qua, chúng tôi phối hợp với Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam mở lớp tập huấn nâng cao công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng thu thập minh chứng và viết báo cáo cho 200 lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên các trường cao đẳng trong cả nước và một số công ty. Các cơ sở đào tạo nghề cũng được hỗ trợ xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp, giúp người học có thể tiếp xúc với những nghề mới, kỹ năng lao động phù hợp với thời kỳ hội nhập.

Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-thông tin: Hàng năm, chỉ tiêu đào tạo của Phân hiệu là 240 sinh viên gồm 8 ngành nghề, tập trung vào ngành nông nghiệp và khối kinh tế. Tất cả các khóa học đều có chương trình hoạt động định hướng nghề nghiệp và kỹ năng nghề cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần tăng cường tiếp xúc với doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề và tuyển dụng những ngành, nghề trọng điểm. Qua đó, hỗ trợ người lao động có cơ hội nâng cao tay nghề và tìm việc làm phù hợp với bản thân trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

 

 ĐINH YẾN

 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.