(GLO)- Hiện toàn tỉnh Gia Lai có hơn 13.238 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Để quản lý tốt nguồn hom giống mì, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có Công văn số 4773/SNNPTNT-CCTTBVTV hướng dẫn quản lý giống mì phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 và các năm tiếp theo.
Người dân huyện Ia Pa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Nam |
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở và các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh khẩn trương tổ chức hướng dẫn nông dân tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư cây mì sau thu hoạch, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh; tuyệt đối không để tàn dư cây mì bị bệnh trên các bờ thửa. Tăng cường công tác kiểm soát nguồn giống từ các địa phương khác đến; hướng dẫn nông dân tuyệt đối không mua bán, trao đổi, vận chuyển hom mì từ các vùng bị bệnh về làm giống; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống mì từ vùng đang nhiễm bệnh về trồng trên địa bàn; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng-chống bệnh. Tổ chức tập huấn cho nông dân về quy trình kỹ thuật thâm canh mì bền vững; xây dựng các mô hình trình diễn, cánh đồng mẫu lớn trên cây mì áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, làm đất, bón phân, canh tác tưới nước tiết kiệm, quản lý dịch hại để nâng cao năng suất và hiệu quả trồng mì. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các giống mì mới có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá vi rút hại mì, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích người dân tập trung trồng các giống mì có năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh vi rút khảm lá như: KM 94, KM 98-1... Nghiêm cấm việc mua, bán, trồng giống mì HLS-11. Khuyến cáo người dân không trồng các giống mì mẫn cảm với bệnh vi rút khảm lá như: KM 419, KM 60, KM 140, KM98-5.
LÊ NAM