Gia Lai: Một số thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 8-7, các sĩ tử tiếp tục hành trình "vượt vũ môn" với 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Sau bài thi tự chọn này, một số thí sinh tự do và hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tại nhiều điểm thi, những suất cơm nóng hổi được các Mạnh Thường Quân, tình nguyện viên chuẩn bị tận tâm, góp phần tiếp sức cho thí sinh trong ngày thi cuối.

Sáng 8-7, các thí sinh hoàn thành bài thi các môn tổ hợp. Ảnh: Đức Thụy
Sáng 8-7, thí sinh hoàn thành bài thi các môn tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Đức Thụy

Đề tổ hợp bám sát chương trình

Khác với tiết trời ẩm ương của ngày thi đầu tiên, sáng nay, thời tiết các địa phương trong tỉnh tương đối dịu mát, nắng ấm. Tại các điểm thi, nhiều thí sinh đã có mặt từ khá sớm để dự thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thời gian làm bài cho mỗi môn thi thành phần là 50 phút, gồm 40 câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan.


Theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai điện tử tại các điểm thi, nhiều thí sinh cho biết bài thi Khoa học Xã hội năm nay tương đối dễ, trong khi bài Khoa học Tự nhiên có tính phân loại cao; một số sĩ tử than khó và dài.


Bước ra khỏi phòng thi với nét mặt hớn hở, em Trần Đình Quang Trung-điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) thổ lộ: “Bài thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên khá vừa sức đối với bản thân, song mức độ phân hóa ở cả 3 môn đều khá cao. Em làm các bài thi khoảng 8 điểm”.

Sĩ tử Trương Thiên Hậu hài lòng với bài thi Khoa học xã hội của mình. Ảnh: Thiên Di
Sĩ tử Trương Thiên Hậu hài lòng với bài thi Khoa học xã hội của mình. Ảnh: Thiên Di



Đồng tâm trạng, thí sinh Trương Thiên Hậu-điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) phấn khởi nói: “Đề tổ hợp Khoa học Xã hội có 120 câu hỏi, em làm được khoảng 80 câu. Em tự tin nhất ở môn Giáo dục công dân với khoảng 8 điểm, 2 môn còn lại tầm 7-8 điểm. Em thấy đề thi năm nay không khó. Riêng Lịch sử, các câu hỏi tập trung vào giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1925 đến 1975. Em cũng ôn tập phần này khá kỹ”.

14 Thí sinh Võ Tiến Dũng (bìa trái, điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) cùng bạn thân Lê Bảo Linh vượt vũ môn- Ảnh Ngọc Minh.JPG
Thí sinh Võ Tiến Dũng (bìa trái, điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) cùng bạn thân Lê Bảo Linh vượt vũ môn. Ảnh: Ngọc Minh


Là thí sinh khuyết tật được đặc cách không phải thi tốt nghiệp THPT nhưng vì có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) nên em Võ Tiến Dũng-điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) đã nỗ lực dự thi. Trong những ngày thi, Dũng được người bạn thân gần nhà Lê Bảo Linh hỗ trợ đưa đón.

“Mới sinh ra em là đứa trẻ bình thường, đến khi 5 tuổi thì chân tay bắt đầu co rút, khó giao tiếp. Nhà nghèo nên em luôn cố gắng để ba mẹ đỡ vất vả. Suốt 12 năm, em là học sinh khá. Hoàn thành bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, em cảm thấy đề Lịch sử hơi khó lấy được điểm cao. Ngược lại, Địa lý và Giáo dục công dân khá dễ, em làm được 80%”-Dũng chia sẻ.

Thí sinh Lê Thị Bích Tuyền-điểm thi Trường THPT Pleiku-trao đổi cùng bạn sau giờ thi. Ảnh: Mộc Trà
Thí sinh Lê Thị Bích Tuyền (đứng giữa)-điểm thi Trường THPT Pleiku-trao đổi cùng bạn sau giờ thi. Ảnh: Mộc Trà



Khác với Dũng, em Lê Thị Bích Tuyền-điểm thi Trường THPT Pleiku-cho rằng, đề thi môn Địa lý có nhiều câu khó, dễ gây chọn nhầm đáp án nếu thí sinh không nắm vững kiến thức. “Em nghĩ mình chỉ được 5-6 điểm ở môn thành phần này; 2 môn còn lại có thể đạt điểm khá”-Tuyền thủ thỉ.

Không may bị tai nạn giao thông trước ngày thi 1 tuần, em Phạm Thị Ninh-điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) phải di chuyển bằng nạng đến phòng thi. Nhà ở xã Pờ Tó, cách điểm thi khá xa, mẹ em phải gác lại toàn bộ công việc, đưa đón em đến điểm thi mỗi ngày. Tham gia thi tổ hợp 3 môn xã hội, Ninh cảm thấy khá tự tin với bài thi của mình, đặc biệt môn Giáo dục công dân. “Đề môn Sử và Địa lý theo em là khá dài, tuy nhiên, em vẫn làm bài xong trước 15 phút. Em không đăng ký xét tuyển đại học nên tâm lý rất thoải mái. Dự đoán mỗi môn em được khoảng 7 điểm”-Ninh chia sẻ.

Lực lượng Công an tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) hỗ trợ thí sinh về nhà lấy giấy tờ trước giờ thi. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng Công an tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) hỗ trợ thí sinh về nhà lấy giấy tờ trước giờ thi. Ảnh: Vũ Chi


Trao đổi với P.V, cô Đỗ Thị Phượng-giáo viên Lịch sử Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa)-nhận định: “Đề thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội năm nay bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thí sinh không quá bỡ ngỡ, nhiều em còn “trúng tủ”, nhất là môn Giáo dục công dân. Tuy đề có hơi dài nhưng nếu các em nắm chắc kiến thức thì vẫn có thể làm bài xong trước thời gian quy định. Riêng môn Lịch sử, 90% nội dung tập trung chương trình lớp 12, 10% kiến thức lớp 11”.

Theo quy định, thí sinh GDTX dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) do thí sinh tự chọn. Các thí sinh này cũng có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học. Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp) được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần của bài thi tổ hợp. Do đó, kết thúc buổi thi sáng nay, thí sinh ở hệ GDTX và phần lớn thí sinh tự do đã hoàn thành kỳ thi của mình.

Binh nhất Đoàn Xuân Tùng (giữa; Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) cùng bạn phấn khởi vì đã hoàn thành tương đối tốt kỳ thi. Ảnh: Mộc Trà
Binh nhất Đoàn Xuân Tùng (giữa; Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) cùng bạn phấn khởi vì đã hoàn thành tương đối tốt kỳ thi. Ảnh: Mộc Trà


Rời điểm thi Trường THPT Pleiku với tâm trạng khá thoải mái, Binh nhất Đoàn Xuân Tùng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) vui vẻ cho biết: “Năm nay em dự thi 3 môn: Toán, Vật lý, Hóa học để xét vào Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp (Bộ Quốc phòng). Sau môn Toán, sáng nay, em tiếp tục hoàn thành 2 môn Vật lý, Hóa học và kết thúc sớm kỳ thi. Lần thi trước em đã lỡ hẹn với cánh cửa đại học, nên năm nay, với kết quả làm bài khả quan, em hi vọng mình có thể hiện thực hóa ước mơ”.

Còn thí sinh Rơ Châm H’Mler (SN 1978)-điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) bộc bạch: “Nhà tôi ở xã Ia Pết, huyện Ia Grai. Đây là lần đầu tiên tôi đi thi tốt nghiệp với mục đích bổ sung đầy đủ bằng cấp theo quy định của Nhà nước. Vì tuổi đã lớn nên việc ôn thi của tôi gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, tôi đã cố gắng làm bài thật tốt các bài thi. Với tổ hợp Khoa học Xã hội sáng nay, tôi đã hoàn thành kỳ thi”.

Sáng 8-7, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Võ Hoàng Duy-Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm trưởng đoàn tiếp tục kiểm tra công tác tổ chức thi tại 2 điểm thi ở huyện Chư Sê là: Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THPT Trường Chinh. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn nhận thấy cả 2 điểm thi thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức thi, không ghi nhận trường hợp vi phạm quy chế thi. Việc phát đề, thu bài được cán bộ coi thi thực hiện theo đúng quy định.

Ấm lòng mùa thi

Bước vào những ngày thi quan trọng đầy căng thẳng, nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh như được tiếp thêm sức mạnh khi đón nhận những suất cơm miễn phí đầy ắp tình cảm đến từ đội ngũ đoàn viên, thanh niên và những Mạnh Thường Quân.

Đội xe ôm tình nguyện phục vụ thí sinh tại điểm thi Trường THPT Pleime. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đội xe ôm tình nguyện phục vụ thí sinh tại điểm thi Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp


Nằm trên địa bàn xã biên giới của huyện Chư Prông, điểm thi Trường THPT Pleime có 125 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1 thí sinh tự do. Phần lớn các em đến từ 5 xã khó khăn gồm: Ia Ga, Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Mơr và Ia Pia. Để giúp thí sinh yên tâm thi tốt, một số hộ dân quanh điểm thi đã tự nguyện hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho các em và người nhà.

Ông Nguyễn Huy Dũng-làng Khôi (xã Ia Ga) cho hay: “Hàng năm, cứ đến cuối tháng 5, tôi đều dành khoảng 6 phòng trọ miễn phí cho học sinh lớp 12 thuộc các xã lân cận muốn ở lại gần trường để thuận tiện ôn thi tốt nghiệp. Đến ngày thi, nếu các em có nhu cầu, tôi tiếp tục cho ở miễn phí; đồng thời nấu cơm hỗ trợ cho thí sinh. Học sinh vùng này hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vì vậy, gia đình tôi muốn giúp các em có thêm điều kiện để học tập, thi cử. Chúng tôi cũng dự tính, mùa thi năm sau sẽ nấu ăn miễn phí cho thí sinh ở xa”.

Bí thư Đoàn xã Ia Lâu Nguyễn Thế Sơn Kiên thông tin thêm: Năm nay, toàn xã có 26 học sinh thi tốt nghiệp THPT; trong đó, 13 em có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu cấp trên hỗ trợ 13 suất ăn/ngày cho các em và chủ động liên hệ nhà trọ tại điểm thi hỗ trợ chỗ ở miễn phí trong thời gian thi.

15 Đội thanh niên tình nguyện huyện Ia Pa phát cơm theo từng phòng cho các em học sinh ở lại Trường THPT Dân tộc Nội trú huyện.Ảnh Vũ Chi.jpg
Đội thanh niên tình nguyện huyện Ia Pa phát cơm theo từng phòng cho các em học sinh ở lại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Ảnh: Vũ Chi


Tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) có 54 thí sinh thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Nhằm giúp các em này có bữa ăn đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Huyện Đoàn Kông Chro đã đặt quán cơm Hà Hoàng (thị trấn Kông Chro) cung cấp khoảng 74 suất ăn/ngày (30 ngàn đồng/suất) trong suốt kỳ thi.

“Được phục vụ những suất ăn cho các sĩ tử tôi vui lắm. Sáng sớm, tôi đi chợ chọn mua thực phẩm tươi ngon về chế biến. Canh thời gian gần kết thúc giờ làm bài mỗi buổi, tôi mới chia suất rồi mang tới điểm thi cho thí sinh để giữ được độ ấm nóng, thơm ngon. Mỗi suất của thí sinh tôi đều cho thêm nhiều cơm, thịt, cá, rau, củ... Hi vọng các cháu ăn ngon, thi tốt”-bà Huỳnh Thị Thân-chủ quán cơm Hà Hoàng-chia sẻ.

Tương tự, cứ đến mùa thi tốt nghiệp THPT, Huyện Đoàn Đức Cơ lại có nhiều hoạt động để đồng hành với thí sinh. Từ đầu tháng 6, đơn vị đã vận động các cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để hỗ trợ cho sĩ tử. Qua vận động, Huyện Đoàn tiếp nhận được 100 kg gạo, 2 thùng mì tôm, 20 lốc nước suối và 9 triệu đồng tiền mặt. Trước kỳ thi, Huyện Đoàn đã chủ động nắm số thí sinh ở các xã: Ia Pnôn, Ia Dơk, Ia Lang, Ia Din có nhu cầu ở lại để bố trí chỗ ở tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, 20 tình nguyện được giao đảm nhận nhiệm vụ nấu cơm cho 50 thí sinh ở xa. Các thí sinh được hỗ trợ các suất cơm vào buổi trưa và buổi tối.

Tình nguyện viên Phạm Thành Vinh trao suất cơm cho thí sinh Siu Him (điểm thi Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Lài
Tình nguyện viên Phạm Thành Vinh trao suất cơm cho thí sinh Siu Him (điểm thi Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Lài


Ngay từ sáng sớm, các tình nguyện viên đã đi chợ sớm để mua thực phẩm tươi, ngon; tiếp đó, phân công nhau nấu nướng. Các khâu đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho thí sinh. Chị Mai Thị Ngân-Bí thư Chi đoàn 2 (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) tham gia nấu ăn phục vụ thí sinh-cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp, các tình nguyện viên đều cố gắng giúp đỡ nhau để hỗ trợ thí sinh một cách tốt nhất. Các phần cơm đều đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Sau khi kết thúc môn thi tổ hợp, em Kpuih Tân (làng Ghè, xã Ia Dơk) cùng các bạn đến Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ để nhận phần cơm của mình. Em tâm sự: “Nhà cách điểm thi hơn 15 km nên em đăng ký ở lại để thuận tiện cho việc đi thi. Trong 2 ngày thi, em được các anh, chị tình nguyện viên hỗ trợ rất nhiệt tình, từ chỗ ở, suất ăn đến dụng cụ học tập. Em biết ơn các anh, chị nhiều lắm!”.

Huyện Đoàn Chư Sê cũng đã phối hợp với chùa Mỹ Thạch (huyện Chư Sê) nấu cơm cho 120 thí sinh đang dự thi tại các điểm thi: Trường THPT Trần Cao Vân, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THPT Trường Chinh. Đại đức Thích Quảng Phước-Trụ trì chùa Mỹ Thạch-bày tỏ: “Ngay từ sáng sớm, 20 phật tử của chùa Mỹ Thạch đã dậy sớm nấu xôi để phát cho các thí sinh vào buổi sáng; sau đó lại tất bật đi chợ, chuẩn bị các phần cơm trưa và tối. Mỗi phần cơm đều kèm theo sữa, bánh, nước suối và trái cây. Tuy giá trị không lớn nhưng là sự động viên, khích lệ để thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng này”.

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh hỗ trợ 200 suất ăn cho thí sinh ở điểm thi này. Ảnh: Thiên Di
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) hỗ trợ 200 suất ăn cho thí sinh ở điểm thi này. Ảnh: Thiên Di


Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, các xã có học sinh theo học tại Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) cũng quyết định hỗ trợ tiền ăn 100 ngàn đồng/em. Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa hỗ trợ 62 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 253.000 đồng; đồng thời, bố trí cho 81 học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh ăn, ở tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện để tiện cho quá trình thi cử. Đội tình nguyện tiếp sức mùa thi hỗ trợ đưa cơm đến ký túc xá cho từng em. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn được đặc biệt chú trọng đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử. Chị Lê Thị Thu-chủ quán cơm Thu, đơn vị cung cấp cơm cho các sĩ tử trong kỳ thi năm nay-cho biết: “Đây là năm thứ 3, quán nhận nấu ăn cho các em thí sinh Trường THPT Phan Chu Trinh dự thi tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Quán đã lên thực đơn, thay đổi món ăn hàng ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Em Kpă H’Đâm (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) hồ hởi nói: Vì nhà cách trường gần 15 km, em cùng các bạn được ở lại gần điểm thi nên cha mẹ không phải vất vả đưa đón. Chúng em ở 8-9 người/phòng, bữa ăn hàng ngày được phát tận nơi. So với cơm nhà, ở đây chúng em được ăn ngon hơn rất nhiều. Các bạn ai cũng động viên nhau tập trung ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất”.

Chiều 8-7, các thí sinh còn lại sẽ tiếp tục làm bài thi Ngoại ngữ-môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Báo Gia Lai điện tử sẽ thông tin diễn biến đến bạn đọc.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, toàn tỉnh có 4.437/4.449 thí sinh dự thi môn Vật lý (vắng 12 em), 4.467/4.478 thí sinh dự thi môn Hóa học (vắng 11 em), 4.364/4.370 thí sinh dự thi môn Sinh học (vắng 6 em), 9.501/9.538 thí sinh dự thi môn Lịch sử (vắng 37 em), 9.468/9.503 thí sinh dự thi môn Địa lý (vắng 35 em) và 8.777/8.789 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân (vắng 12 em); không có phát sinh thêm cán bộ, giáo viên, nhân viên, thí sinh liên quan đến dịch Covid-19 (so với ngày thi trước); không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, ở TP. Pleiku, có 1 thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương đi muộn quá thời gian quy định nên không được dự thi; 1 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu ốm đột xuất nên không thể dự thi.

Các thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành các môn thi sáng nay tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa. Ảnh: Hà Phương
Các thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành các môn thi sáng nay tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Phương

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.