Gia Lai là địa chỉ tin cậy để thí điểm các đề án giáo dục mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là nhận định của bà Cù Thị Thủy-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), trưởng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai vào sáng 15-7 nhằm khảo sát, nắm bắt các điều kiện thực tế phục vụ xây dựng Đề án phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và Đề án hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó giai đoạn 2023-2030.

Nỗ lực vượt khó

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi khẳng định: Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%, thế nhưng, GDMN của Gia Lai không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh luôn duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, chất lượng phổ cập được nâng cao. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp, trẻ học 2 buổi/ngày, trẻ được ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang-thiết bị được bổ sung hàng năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình GDMN đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

 Chất lượng GDMN vùng khó của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Mộc Trà
Chất lượng GDMN vùng khó của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Mộc Trà


Mạng lưới trường, lớp được mở rộng đến các thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập tăng hàng năm; nhiều trường mới thành lập được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia. Tính đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 268 trường mầm non, mẫu giáo và 241 cơ sở độc lập tư thục với 3.076 nhóm, lớp (201 trường nằm ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn với 1.664 nhóm, lớp). Tỷ lệ trẻ mầm non được huy động ra lớp đạt 57,9%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 95%. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt 1.0; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 39,48%. Toàn tỉnh hiện có 135 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (chiếm 50,37%). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn bậc học mầm non là 5.656 người; định mức giáo viên/lớp đạt 1,4 (tính cả giáo viên hợp đồng).

Đáng chú ý, năm học vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng-chống dịch vừa tổ chức các hoạt động trong các cơ sở GDMN với hơn 5.000 video clip được xây dựng và gửi đến phụ huynh. “Toàn tỉnh vẫn huy động được 80.537 trẻ đi học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường đạt 64,5%. Tất cả trẻ đều được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng hàng năm giảm dần; khống chế được tỷ lệ trẻ béo phì ở mức 0,75%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 6,2% và suy dinh dưỡng thể thấp còi 6,99%. Ngoài ra, Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ cho 618 giáo viên, nhân viên làm việc trong các cơ sở GDMN tư thục gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền hơn 2 tỷ đồng”-bà Nghi thông tin.

Bám sát thực tiễn để xây dựng các đề án

Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy, Gia Lai là 1 trong 12 tỉnh, thành trên cả nước và là địa phương đại diện cho vùng Tây Nguyên được lựa chọn khảo sát. Vì thế, đoàn công tác mong muốn có được những trao đổi chất lượng và giá trị để nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về GDMN của tỉnh, làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng 2 đề án. “So với bình quân chung của cả nước, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp của tỉnh thấp hơn 19,9%; tỷ lệ huy động mẫu giáo thấp hơn 2,8%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày thấp hơn 5,7%; bình quân giáo viên/lớp thấp hơn cả nước 0,24%; tỷ lệ kiên cố hóa trường học thấp hơn cả nước 43%. Riêng tỷ lệ trẻ nhà trẻ học 2 buổi/ngày cao hơn 0,5%. Đây là những con số đáng lưu tâm. Tôi mong muốn các sở, ngành liên quan tiếp tục có sự tham mưu giúp tỉnh để làm sao các chỉ tiêu GDMN ở Gia Lai cân bằng, hài hòa với tổng thể chung trong cả nước”-bà Thủy đề nghị.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nêu khó khăn: “Đặc thù của tỉnh là hệ thống trường, lớp mầm non nằm rải rác, trong đó nhiều điểm lẻ cách xa trung tâm hàng chục km nên khó dồn, ghép lớp. Trẻ mầm non học tại các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao (60,3%). Ở vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp khá thấp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn 45 phòng học mầm non đang mượn phòng tiểu học nên không đúng tiêu chuẩn, 482 phòng học đã xuống cấp; theo định mức còn thiếu 51 cán bộ quản lý, 1.755 giáo viên và 396 nhân viên trong khi việc hợp đồng và tuyển dụng giáo viên rất khó khăn...”.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song GDMN của tỉnh không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng qua từng năm. Ảnh: Mộc Trà
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song GDMN của tỉnh không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng qua từng năm. Ảnh: Mộc Trà


Đại diện lãnh đạo một số phòng GD-ĐT cũng nêu lên thực trạng cần sớm được “gỡ khó” trong công tác phát triển, phổ cập GDMN ở địa phương. Ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-chia sẻ: “Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp của huyện rất thấp do thiếu cơ sở vật chất và giáo viên. Số giáo viên biên chế chủ yếu được huyện ưu tiên để duy trì và phát triển GDMN cho trẻ 5 tuổi. Thêm vào đó, quy hoạch quỹ đất để phát triển trường, lớp ngoài công lập còn hạn chế nên toàn huyện chỉ có 35 nhóm, lớp mầm non ngoài công lập; trong đó, 6 xã chưa có nhóm, lớp mầm non tư thục”.

Liên quan đến vấn đề đội ngũ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Võ Quốc Hùng thông tin: Giai đoạn 2015-2021, tỉnh được Trung ương bổ sung tăng thêm 1.201 chỉ tiêu biên chế ở bậc mầm non và đã được UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện theo Luật Giáo dục về việc nâng trình độ tuyển dụng giáo viên bậc mầm non từ cao đẳng trở lên, đa phần địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu do thiếu nguồn dự tuyển. Đơn cử, UBND huyện Chư Păh đăng ký chỉ tiêu tuyển 105 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 65 người; UBND huyện Krông Pa đăng ký tuyển 157 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 66 người... Năm học 2022-2023, thực hiện cho trẻ học 2 buổi/ngày, tỉnh còn thiếu 1.826 giáo viên, nhân viên bậc mầm non.

Xung quanh khó khăn mà ngành GD-ĐT tỉnh đang đối mặt, bà Nguyễn Thị Minh Thảo-chuyên viên Vụ GDMN-cho rằng: Ngoài những vấn đề thuộc khó khăn chung của cả nước, Gia Lai vẫn có một số điểm khó mang tính đặc thù. Tôi cho rằng, tỉnh cần phải có những đề xuất cụ thể về mặt cơ chế chính sách, nhất là đối với đội ngũ giáo viên vùng khó để chúng tôi tham mưu, đưa vào khi xây dựng nội dung đề án, làm cơ sở trong triển khai thực hiện sau này.

Kết luận buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy đánh giá cao kết quả phổ cập giáo dục cũng như phát triển GDMN của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ phải tạm dừng đến lớp nhưng các trường đã phối hợp tốt cùng phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục quốc gia.

Về một số đề xuất của ngành GD-ĐT tỉnh, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cho rằng, tỉnh nên phối hợp với các cơ sở đào tạo có quy hoạch mạng lưới, đặc biệt là cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn giáo viên để tuyển dụng; đồng thời nên có chính sách thu hút riêng để đảm bảo nguồn lực chất lượng. Tỉnh cũng cần dành quỹ đất cho các nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở GDMN ngoài công lập; có cơ chế xã hội hóa GDMN phù hợp với quy định hiện hành; tính toán kỹ trong quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Đối với kiến nghị sửa đổi quy định về định mức giáo viên, sĩ số lớp theo vùng; chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng khó, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ và miễn thu học phí cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số..., đoàn ghi nhận và tham mưu, đề xuất một cách phù hợp trong quá trình xây dựng các đề án.

“Việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, song đây sẽ là cú hích để duy trì và phát triển bền vững phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho GD-ĐT nói chung và GDMN nói riêng, Gia Lai sẽ là địa chỉ tin cậy để thí điểm thực hiện các đề án sau khi được ký, ban hành”-bà Thủy nhấn mạnh.

 

 MỘC TRÀ - THÁI BÌNH

 

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.