Gia Lai: Kỳ vọng từ giống bò Úc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 5 tháng được Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Gia Lai chăm sóc, 120 con bò Úc bắt đầu thích nghi với điều kiện khí hậu trên vùng đất mới Đak Pơ. Đây là cơ sở để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới.
Nằm trong dự án “Đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi và khu thực nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ” do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà kho chứa thức ăn, chuồng trại tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ (huyện Đak Pơ) và xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) rộng trên 2.000 m2, cánh đồng cỏ 6 ha cùng đàn bò sinh sản nhập về từ Úc và nhiều công trình phụ trợ khác. Tháng 8-2020, Trung tâm đã tiếp nhận 120 con bò Úc giống Brahman có nguồn gốc nhiệt đới, khả năng chịu nhiệt và sức đề kháng cao để nuôi thử nghiệm.
Từ khi nhập về đến nay, đàn bò được nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật của đơn vị cung cấp bò giống. Theo đó, hàng ngày, Trung tâm cho bò ăn 2 buổi sáng và chiều với cỏ xanh, thức ăn hỗn hợp, nước uống theo quy trình khép kín. Đến nay, đàn bò Úc đã sinh sản được 20 con bê, chưa kể hơn 10 con khác sắp đẻ.
Bò Úc đang sinh trưởng phát triển tốt tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đàn bò Úc đang sinh trưởng phát triển tốt tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Lê Hoàng Tùng-cán bộ kỹ thuật phụ trách chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò Úc sinh sản tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ-cho biết: Đến nay, đàn bò Úc đã thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, ít dịch bệnh. Đặc biệt, bê con sinh ra có trọng lượng trên 23 kg/con, cao hơn so với các giống bò khác, sức đề kháng tốt. Hiện nay, bê đã được 3 tháng tuổi, trọng lượng 75-80 kg/con. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp giống cho người chăn nuôi trong tỉnh.
Gia đình ông Hàn Lưu Thủ (thị trấn Đak Pơ) chăn nuôi 2 con bò lai sinh sản từ nhiều năm nay. Đều đặn hàng năm, 2 con bò này đẻ 2 con bê. Ông nuôi bê con khoảng 1 năm thì bán, thu được vài chục triệu đồng.
Ông Thủ cho biết: “Vừa rồi, tôi đi tìm hiểu về bò sinh sản giống Úc nuôi tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ. Tôi thấy giống bò mới này thích nghi với điều kiện địa phương, trọng lượng đạt cao. Vì vậy, nếu nuôi theo hướng bò thịt thì hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mua bê con giống Úc về nuôi thử nghiệm”.
Nhà kho trữ thức ăn cho bò Úc
Nhà kho trữ thức ăn cho bò Úc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Vịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh-cho hay: “Thời gian qua, Trung tâm đầu tư về cơ sở vật chất chuồng trại và phát triển đồng cỏ theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt, việc chăn nuôi 120 con bò sinh sản nhập từ Úc cho thấy những tín hiệu tích cực khi đàn bò sinh trưởng phát triển khá tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ít dịch bệnh… Tỷ lệ bê sinh ra nuôi sống rất cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm nhân giống cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh phát triển bò thịt chất lượng cao từ giống bò Úc. Ngoài ra, Trung tâm sẽ chuyển giao những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi bò chất lượng cao cho người dân trong tỉnh”.
Theo tính toán của ông Vịnh, trọng lượng bò đực trưởng thành đạt 500-600 kg/con, cao hơn bò lai 100-200 kg/con. Tỷ lệ thịt khi mổ xẻ đạt 52-56%, trong khi bò thịt hiện nay chỉ đạt 50-52%. Đặc biệt, chất lượng thịt bò Úc thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.