Gia Lai huy động học sinh trong độ tuổi đến trường bậc THCS đạt 93,79%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 8-5, đoàn giám sát do ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về thực hiện công tác huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đối với bậc THCS năm học 2022-2023 và tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục đi học sau khi tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 đến ngày 30-3-2023.

Tham dự buổi giám sát về phía Sở GD-ĐT có các Phó Giám đốc: Bùi Khoa Nghi, Trần Bá Công cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách các trường THPT: Anh Hùng Núp (huyện Kbang), Hà Huy Tập (huyện Kông Chro), Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai), Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) và THCS-THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ).

Quang cảnh buổi giám sát tại Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi giám sát tại Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2022-2023, toàn ngành có 234 trường THCS thuộc 17 phòng GD-ĐT, 8 trường có bậc THCS thuộc và trực thuộc Sở GD-ĐT với 107.244 học sinh/2.679 lớp; trong đó, học sinh DTTS chiếm 43%.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các phòng GD-ĐT và đơn vị trường học trực thuộc tích cực thực hiện các biện pháp nhằm đạt kết quả tốt nhất về công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh bậc THCS. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các đơn vị phải tiến hành đăng ký chỉ tiêu thi đua về duy trì sĩ số; xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương trong huy động học sinh tới trường, duy trì sĩ số học sinh; nhân rộng và phát huy hiệu quả phong trào nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có năng lực học tập yếu, kém; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục… Tính đến ngày 30-3-2023, tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường bậc THCS toàn tỉnh đạt 93,79%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh bậc THCS đạt 99,39%; tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học chiếm 0,98% trên tổng số học sinh DTTS.

Ngoài ra, việc huy động học sinh DTTS tiếp tục đi học sau khi tốt nghiệp THCS cũng được toàn ngành quan tâm; trong đó, chú trọng triển khai giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao. Tính đến cuối tháng 3-2023, toàn tỉnh có 4.589 học sinh DTTS tiếp tục theo học chương trình phổ thông và học nghề sau tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022, chiếm tỷ lệ 63,69%.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công báo cáo những kết quả mà ngành GD-ĐT đã đạt được theo nội dung Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu. Ảnh: Mộc Trà
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công báo cáo những kết quả mà ngành GD-ĐT đã đạt được theo nội dung Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu. Ảnh: Mộc Trà

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát, Sở GD-ĐT và lãnh đạo một số đơn vị trường học đã trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số học sinh và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Nhiều ý kiến cho rằng, Sở GD-ĐT cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng về việc huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành liên quan và hệ thống chính trị ở địa phương để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ này; nhân rộng và phát huy những mô hình hay, hiệu quả ở cơ sở; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS gắn với làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, nhất là học sinh DTTS…

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh ghi nhận những kết quả mà ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được trong công tác huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số bậc THCS thời gian qua. Trưởng Đoàn giám sát đề nghị toàn ngành tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa kết quả này trong những năm tiếp theo, đảm bảo thực chất và hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của học sinh và phụ huynh nhằm tăng dần tỷ lệ học sinh DTTS tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS.

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.