Gia Lai: Học sinh THCS, THPT ở địa phương có cấp độ dịch mức 1 đến trường từ ngày 7-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 28-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai có công văn về việc triển khai tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
Học sinh THPT ở TP. Pleiku đã trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10-1-2022. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh THPT ở TP. Pleiku đã trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10-1-2022. Ảnh: Mộc Trà
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các Phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục ngoài công lập (gọi chung là các đơn vị) căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên (gọi chung là HSSV). 
Đối với bậc THCS, THPT ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 1 thực hiện tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp kể từ ngày 7-2-2022. 
Các địa phương có cấp độ dịch là cấp 2, cấp 3 tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp có kết nối để học trực tuyến kể từ ngày 7-2-2022. Cụ thể: Học trực tiếp đối với những HSSV phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy định (nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính. Những HSSV chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 thì học trực tuyến. 
Các địa phương có cấp độ dịch là cấp 4 tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến kể từ ngày 7-2-2022. 
Trường hợp giáo viên chưa thể đến trường thì thủ trưởng cơ sở giáo dục (CSGD) bố trí giáo viên thực hiện nhiệm vụ phù hợp. 
Đối với Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và các trường có tổ chức mô hình nội trú/bán trú thì thủ trưởng CSGD xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo công tác phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian HSSV sinh hoạt nội trú/bán trú tại trường. 
Đối với bậc học mầm non và tiểu học, Sở GD-ĐT giao Trưởng phòng GD-ĐT tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tổ chức thí điểm tại một số bậc học và một số địa phương trong tuần đầu tiên (từ ngày 7-2-2022). Đánh giá, rà soát tình hình học tập và diễn biến dịch bệnh để cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh đi học tập trung bắt đầu từ ngày 14-2-2022. 
Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và hành động mạnh mẽ, kiên quyết và nhanh chóng đưa người học trở lại trường học kể cả trẻ mầm non và học sinh tiểu học, đối với học sinh THPT là yêu cầu cấp thiết; tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, sự hợp tác của cha mẹ học sinh; tránh cực đoan, chần chừ thái quá và tránh chủ quan, giao khoán, phó mặc cho nhà trường, giáo viên; tuyệt đối tránh hiện tượng nảy sinh tâm lý do dạy và học trực tuyến kéo dài nên giáo viên ngại đi dạy trực tiếp, học sinh ngại đi học trực tiếp và phải tạo thói quen, hứng thú khi học sinh đi học trực tiếp. 
Các CSGD chủ động xây dựng phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn. 
Các CSGD xây dựng phương án phân luồng, kiểm soát chặt chẽ lộ trình, phạm vi giao tiếp của HSSV ngay từ ngày đầu tiên đến trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19; tuân thủ nghiêm quy tắc 5K; tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công văn số 61/SGDĐT-GDMNTH ngày 11-1-2022 của Sở GD-ĐT về việc đảm bảo an toàn, phòng-chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại CSGD mầm non. 
Phối hợp với các địa phương (cấp huyện, cấp xã) hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ...). 
Các CSGD tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, đặc biệt là phát triển trẻ mẫu giáo 5 tuổi và tiếng Việt lớp 1, lớp 2 cho học sinh dân tộc thiểu số; khảo sát, phân nhóm đối với những học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng trong thời gian qua để củng cố bù đắp kiến thức cho các em, cần cân nhắc mức độ, yêu cầu đánh giá cho phù hợp và hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại các Công văn số 2056/SGDĐT-GDMNTH ngày 14-9-2021 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, Công văn số 3044/SGDĐT-GDMNTH ngày 17-12-2021 về việc hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch Covid-19, Công văn số 2138/SGDĐT-GDTrHCTTX ngày 20-9-2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022, Công văn số 2181/SGDĐT-GDTrHCTTX ngày 23-9-2021 về việc triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS và THPT năm 2021-2022. 
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng trong việc đưa sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng-chống dịch tại các CSGD theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT. 
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát việc tiêm vắc xin cho học sinh, sinh viên tại địa phương trước khi các em tập trung trở lại trường học sau Tết Nguyên đán. 
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).