Gia Lai: Học sinh điểm sách góp phần phát triển văn hóa đọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thực trạng một bộ phận giới trẻ khá thờ ơ với sách, một số học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku đã tích cực cộng tác với Thư viện tỉnh Gia Lai trong việc viết, thu âm phần điểm sách để làm video đăng tải trên trang fanpage của thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc. 
Cuối tháng 4 vừa qua, Thư viện tỉnh đã khen thưởng 10 học sinh tích cực tham gia nội dung nói trên. Một trong số đó là em Trần Thị Huyền Trang-học sinh lớp 12B7 Trường THPT Lê Lợi. Bằng giọng đọc truyền cảm, lại được cán bộ Thư viện tỉnh hỗ trợ dựng video giới thiệu sách, Trang đã mang đến cho người xem sự hứng thú đối với “Nhà giả kim” (tác giả Paulo Coelho). Đây là cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang 67 thứ tiếng, bán đến 65 triệu bản trên toàn thế giới.
Trang chia sẻ: “Cuốn sách như một câu chuyện cổ tích giản dị, nhân ái, giàu chất thơ, thấm đẫm minh triết huyền bí của phương Đông. Những trải nghiệm trong chuyến phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp nhân vật chính Santiago thấu hiểu ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc. Đó còn là hành trình tìm hiểu tiếng gọi của trái tim và thấu hiểu ngôn ngữ vũ trụ tâm linh… Với văn phong giản dị, nhẹ nhàng, “Nhà giả kim” mang đến một triết lý sâu sắc: Đôi khi người ta phải đi cả một cuộc hành trình dài với bao hiểm nguy, vất vả chỉ để hiểu rằng hạnh phúc nằm ngay dưới chân ta, nơi ta đã bước qua…”. 
Trần Thị Huyền Trang cho rằng, cuốn sách thực sự đáng giá với thông điệp: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Nếu bạn đang cần động lực, đang đi tìm vận mệnh của mình, hãy thử trải nghiệm với “Nhà giả kim”. Hãy nhẹ nhàng tận hưởng cuốn sách như một đứa trẻ ngây thơ”.
Thư viện tỉnh khen thưởng những học sinh tích cực phối hợp giới thiệu sách trên trang fanpage của đơn vị từ tháng 9-2020 đến nay. Ảnh: Lam Nguyên
Thư viện tỉnh khen thưởng những học sinh tích cực phối hợp giới thiệu sách trên trang fanpage của đơn vị từ tháng 9-2020 đến nay. Ảnh: Lam Nguyên
Em Trần Anh Quân-học sinh lớp 11C1 Trường THPT chuyên Hùng Vương-lại chọn giới thiệu một trong những cuốn sách đang “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn sách hay thời gian qua, đó là cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” (tác giả Nguyên Phong). Quân cho biết, đây là cuốn sách không dễ đọc nhưng thấy các nhóm trên Facebook giới thiệu khá nhiều nên em mua về đọc thử. Xúc động trước những điều được lĩnh hội, em quyết định viết, ghi âm cảm nhận về cuốn sách.
“Câu chuyện trong sách khá hay. Bài học lớn nhất em nhận ra sau khi đọc xong là phải có suy nghĩ và hành động đúng đắn trong mỗi việc mình làm. Luật nhân quả là điều được nhắc đến xuyên suốt cuốn sách. Nhân nào thì quả đó, quy luật ấy đã tồn tại từ hàng triệu năm qua”-Quân đúc kết.
Theo em, cuốn sách là bảng chỉ đường hướng con người tìm về với thiên lương, đồng thời khẳng định một chân lý: Sự hình thành và diệt vong của một quốc gia xuất phát từ ý thức hành động hay thái độ ứng xử của mỗi cá nhân trong quốc gia đó. Chẳng có thần linh nào bên trong những tượng đài mà thần linh luôn ở trong mỗi chúng ta nếu ta thực sự thành tâm, biết dừng lại và lắng nghe chính mình. 
“Tác phẩm “Muôn kiếp nhân sinh” mang đến những tác động sâu sắc trong nhận thức của mỗi độc giả. Dù tin hay không tin những câu chuyện tiền kiếp thì ta vẫn phải thừa nhận rằng nhân quả luôn là một niềm tin vững chắc để con người hướng tới thiên lương tốt đẹp”-Quân nêu suy ngẫm. 
Trong khi đó, em Trương Thị Anh Thư-học sinh lớp 11B13 Trường THPT Phan Bội Châu gây ấn tượng với phần giới thiệu cuốn sách dạy kỹ năng sống “Phất tay lung lay thế giới”. Thư khẳng định: “Không có gì là ngẫu nhiên và ngôn ngữ cơ thể cũng có những quy tắc riêng. Nếu không hiểu về ngôn ngữ ấy, nhiều khi mình vô tình làm cho người khác khó chịu mà không biết. Ngay cả em cũng từng rơi vào cảnh đó”.
Khi đọc được cuốn sách “Phất tay lung lay thế giới” được viết bởi một cộng đồng gồm những người đam mê tâm lý học và tâm lý trị liệu ở Việt Nam, Thư đã nắm bắt được những bí mật của giao tiếp không lời để có thể áp dụng trong bất kỳ tình huống giao tiếp nào. 
“Khi bạn hiểu sâu hơn kỹ hơn về cái gọi là ngôn ngữ cơ thể và cách để sử dụng chúng hiệu quả, bạn sẽ kiểm soát được hành vi và làm chủ các tình huống giao tiếp. Cuốn sách đã cho mình một cái nhìn mới, một thái độ sống tự tin hơn. Thật sự rất cảm ơn “Phất tay lung lay thế giới”. Còn bạn thì sao?”-Thư chia sẻ cảm nghĩ.
Trao đổi cùng P.V, các cộng tác viên tích cực này đều cho rằng, việc điểm sách để thu âm, dựng video giới thiệu trên trang fanpage của Thư viện tỉnh là cách làm sáng tạo nhằm đưa sách đến gần hơn với giới trẻ.
Em Trương Thị Anh Thư hào hứng: “Đây là cuốn đầu tiên em viết cảm nhận. Các cô chú ở Thư viện tỉnh hỗ trợ em rất nhiệt tình trong việc ghi âm, làm video. Với cách làm này, em mong muốn các bạn trẻ đọc sách nhiều hơn vì nó giúp bổ sung kiến thức bổ ích, giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống và nuôi dưỡng tâm hồn”.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.