Gia Lai đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 10-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự ở các điểm cầu có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Hiệp hội ngành nghề và một số DN, HTX tiêu biểu trên địa bàn cùng 295 doanh nghiệp đại diện cho 7.600 doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

 Quang cảnh buổi gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trung tâm UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã thông tin đến các đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp về tình hình dịch Covid-19 và những biện pháp triển khai thực hiện phòng-chống dịch trên địa bàn. Bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ hết mình của cộng đồng DN và người dân nên dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những nghĩa cử của cộng đồng DN trong công tác phòng-chống dịch. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thông tin đến các DN, HTX về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng còn lại. "Trong điều kiện hiện nay, do tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN trên địa bàn, tỉnh đã có nhiều chính sách linh hoạt trong điều hành nên tình hình kinh tế-xã hội ổn định và một số ngành vẫn có mức tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ tiêu về thành lập DN chỉ mới đạt hơn 50% kế hoạch đề ra"-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhìn nhận.

Chủ tịch UNBD tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy



Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 44.856 tỷ đồng (đạt 64,08% kế hoạch, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020); giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 16.790 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD (đạt 73,77% kế hoạch, tăng 12,5% so cùng kỳ); thu ngân sách đạt hơn 5.941 tỷ đồng… Toàn tỉnh hiện có 7.658 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 117.290 tỷ đồng. Trong 9 tháng cũng đã cấp đăng ký thành lập mới 650 DN (đạt 54,17% kế hoạch đề ra) với tổng vốn 5.905 tỷ đồng. Tổng số DN đăng ký thành lập mới giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2020. Có 16 HTX thành lập mới, nâng số HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 lên 330 HTX và 2 Liên hiệp HTX. Trong 9 tháng, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 43 dự án với số vốn đăng ký 18.996 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Dù đạt được một số kết quả khả quan song do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nên tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều giảm sút; chi phí đầu vào, vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá thành tăng. Cùng với đó, doanh thu giảm mạnh, dòng tiền bị thiếu hụt dẫn đến việc DN gặp khó khăn về chi phí duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, hoạt động lưu thông trang-thiết bị, hàng hóa giữa các tỉnh, thành gặp khó khăn do áp dụng các biện pháp phòng-chống dịch bệnh. Mặc dù vậy, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, HTX một cách linh hoạt; hỗ trợ tín dụng, các chính sách thuế; hỗ trợ đảm bảo hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.



Theo bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chính sách hỗ trợ về tín dụng, nhờ đó đã góp phần giảm thiểu khó khăn cho DN. Để thực hiện phòng-chống dịch an toàn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ khác. Trong quá trình này, các ngành chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hộp thư điện tử tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của cộng đồng DN, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách của Nhà nước cho DN”-bà Sen nhấn mạnh. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng kiến nghị tỉnh và Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất vay vốn cho các DN. Đặc biệt, đối với các DN thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải, dịch vụ… chịu ảnh hưởng trực tiếp rất lớn, do đó tỉnh cần sớm các chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất.

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hội Doanh nhân tỉnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Đức Thụy
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy



Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN, ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai-cho rằng, hiện nay, đa số DN đều quan tâm đến vấn đề hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là những DN đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đang gặp khó khăn về trả lãi và trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy, các DN mong muốn được phía ngân hàng hỗ trợ giảm lãi, giãn nợ.

Tương tự, bà Đặng Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh-cho hay: Qua khảo sát các DN trong Hội Nữ Doanh nhân tỉnh cho thấy, hiện nay, có 20% DN hoạt động ổn định và 80% DN đang hoạt động cầm chừng. Chỉ có khoảng 10% DN có doanh thu bằng cùng kỳ năm trước và 90% số DN có doanh thu giảm 30-50%. “Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến khâu vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, chi phí vận tải tăng, nhất là các DN xuất khẩu nông sản. Một số DN lĩnh vực khoa học thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, rồi DN sản xuất kinh doanh hàng nội thất có số lượng hàng tồn kho nhiều. Về các ngành xây dựng, thì chi phí vận tải, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí vận tải tăng… đã khiến DN hoạt động cầm chừng”-bà Dung nêu khó khăn.

Cam kết đồng hành, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản, trong đó Gia Lai chúng ta có đã 6 nhóm gồm: gỗ, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, rau quả. “Hiện nay, chủ trương của tỉnh đề ra giai đoạn từ nay đến năm 2030 phải đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ USD. Theo tôi, bài toán này không khó, quan trọng là làm sao để chúng ta kiểm soát được, thống kê được các nông sản xuất khẩu chủ lực để không bị thất thoát. Nếu không làm được, nguy cơ mất nguyên liệu bản địa là có thể đi ngược với chủ trương tỉnh đề ra, dẫn đến cạnh tranh không công bằng cho DN trong tỉnh. Tại sao tôi nhấn mạnh điều này, bởi vì cà phê của chúng ta hiện là một thương hiệu được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, chúng tôi đang kiểm soát được các dư lượng độc hại trong quá trình sản xuất của các HTX và nông dân. Trên thực tế, sản lượng tỉnh ta thấp hơn Buôn Ma Thuột, nhưng giá trị gia tăng chúng ta cao hơn. Đây là một quá trình nỗ lực của DN cùng HTX, nông dân liên kết trong nhiều năm”-ông Hiệp phân tích. Cũng theo ông Hiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN lúc này chính là giảm giá thuê đất, giảm phí bảo hiểm, có chính sách mở về tín dụng, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Dương Minh Tiến-Giám đốc Đầu tư Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Tập đoàn FLC), thời gian và thủ tục pháp lý là quan trọng nhất để DN có thể tính toán dòng tiền, nắm bắt cơ hội đầu tư. “Vì vậy, đề nghị cần giải quyết nhanh để tạo điều kiện cho DN. Bên cạnh đó, khi DN vào đầu tư một dự án nào đó cần có cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm giúp DN triển khai dự án được nhanh nhất. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục giới thiệu những dự án tiềm năng và xứng với quy mô đầu tư của Tập đoàn”-ông Tiến nói.

Ông Dương Minh Tiến-Giám đốc Đầu tư Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Tập đoàn FLC). Ảnh: Đức Thụy
Ông Dương Minh Tiến-Giám đốc Đầu tư Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Tập đoàn FLC) cho rằng, thời gian và thủ tục pháp lý là quan trọng nhất để DN có thể tính toán dòng tiền, nắm bắt cơ hội đầu tư. Ảnh: Đức Thụy


Xung quanh những kiến nghị của DN về vấn đề giảm lãi suất cho vay, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đã giảm 1,55% so với đầu năm 2020. Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các gói cho vay đối với DN và cho vay tháo gỡ khó khăn cho DN để vượt qua đại dịch. Hiện nay, nhiều ngân hàng có giá vốn đầu vào thấp nên cho vay thấp, ngược lại những ngân hàng có giá vốn đầu vào cao nên cho vay cao. Nếu các DN gặp khó khăn đề nghị DN làm việc trực tiếp với ngân hàng thương mại cho vay để được xem xét, cơ cấu lại nợ.

Liên quan đến các vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các ngành cần hỗ trợ tích cực hơn cho DN về vấn đề miễn, giảm, giãn thuế; giảm lãi suất cho vay. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, ngân hàng cũng là DN, nếu không an toàn thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Vì vậy, ngành ngân hàng cũng cần đánh giá, rà soát cho phù hợp, cho vay phải đảm bảo các điều kiện để mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quy hoạch, đất đai đối với các dự án đầu tư, đề nghị sớm được kịp thời tháo gỡ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cộng đồng DN cần phục hồi và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, khắc phục những tồn tại, khó khăn để phát triển bền vững.


Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Qua nghe các ý kiến, kiến nghị của các DN, HTX, tôi mong muốn các DN hết sức chia sẻ để đồng hành cùng với tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Đề nghị các sở, ngành cần tiếp tục rà soát các quy trình thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực, rút ngắn thời gian giải quyết để tạo thuận lợi cho DN”.

Đối với những kiến nghị liên quan khác, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị từng sở, ngành sẽ giải quyết theo thẩm quyền. Những chính sách đã ban hành rồi thì phải nhanh chóng triển khai sớm. Hi vọng, trong thời gian tới, với sự vận hành của Chính phủ, sự tích cực của các bộ, ngành và tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với DN trong phát triển kinh tế. “Tỉnh đang thành lập một tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời triển khai một số nội dung, chương trình để khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian sắp tới, kể cả tính toán đến việc thích ứng và sống chung với dịch trong điều kiện chúng ta mới chỉ tiêm vắc xin chưa được 14%. Tuy nhiên, có an toàn mới sản xuất và sản xuất phải an toàn”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.