(GLO)- Hơn 20 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, các cấp Hội trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học và nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Được thành lập vào tháng 5-2001, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai đã trải qua chặng đường hơn 20 năm xây dựng và phát triển. Cùng với sự trưởng thành đó, hoạt động khuyến học, khuyến tài ở tỉnh ta cũng ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Đến nay, 220 xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có tổ chức Hội Khuyến học với 2.624 chi hội và 722 Ban Khuyến học. Tổng số hội viên là 202.120 người (chiếm 13,5% dân số toàn tỉnh); trong đó, có nhiều đơn vị phát triển hội viên khá cao như: Pleiku, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Păh, Chư Sê, Đak Pơ…
Theo ông Ksor Yin-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, nhận thức được tầm quan trọng trong việc liên kết, phối hợp với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị-xã hội để mở rộng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), Hội Khuyến học tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội lồng ghép cuộc vận động xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” trong cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đặc biệt, phong trào này được đẩy mạnh triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở. Từ đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khuyến khích, hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
“Nhiều dòng họ đã chủ động, tích cực thành lập các Chi hội khuyến học dòng họ; xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài; tổ chức các buổi lễ cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập khá, giỏi… Những việc làm này đã góp sức lan tỏa và khuyến khích tinh thần học tập rất cao trong cộng đồng dân cư”-ông Ksor Yin nhận định.
|
Nhờ đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trên địa bàn TP. Pleiku đã xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu. Ảnh: Mộc Trà |
Tính đến tháng 9-2021, toàn tỉnh có 136.893 gia đình đăng ký trở thành “Gia đình học tập”; 548 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”; 1.130 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký “Cộng đồng học tập” và 964 đơn vị (do xã, phường, thị trấn quản lý) đăng ký “Đơn vị học tập”. Ngoài ra, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị triển khai và chọn 3 đơn vị cấp huyện gồm: Đak Đoa, Chư Sê và Pleiku làm thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong năm 2021 với 9 xã, 27 đơn vị, 125 gia đình và 180 công dân tham gia thí điểm.
Tại TP. Pleiku, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT không ngừng phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng, được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Điều đó đã góp phần nâng cao dân trí, hỗ trợ và phát triển tài năng; giúp người lớn được học tập thường xuyên, trẻ em nghèo không bỏ học… Ông Văn Thanh Hưng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP. Pleiku-cho hay: Hội Khuyến học thành phố hiện có 22 Hội Khuyến học ở 22 xã, phường; 23 Ban Khuyến học ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; 270 chi hội ở thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, trường học với hơn 43 ngàn hội viên (chiếm gần 17% dân số). Đến nay, toàn thành phố có 37.422 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 35 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”, 178 cộng đồng (cấp thôn, làng, tổ dân phố) đăng ký “Cộng đồng học tập”, 77 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” và 22 xã, phường triển khai xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã. Đối với mô hình “Công dân học tập”, chúng tôi đã tổ chức thí điểm tại 2 phường Hội Phú, Ia Kring và xã Chư Á, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.
Song song với đó, Hội Khuyến học tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để củng cố, chấn chỉnh hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 220/220 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động đi vào nền nếp. Các trung tâm này thường xuyên mở các lớp về khuyến nông, khuyến lâm, y tế cộng đồng, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Trong giai đoạn 2015-2020, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng 14 cờ thi đua và bằng khen cho 82 tập thể, 122 cá nhân vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Ngoài ra, toàn tỉnh có 235 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”. |
Đáng chú ý, Hội Khuyến học các cấp đã có nhiều hình thức và biện pháp tích cực để vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học hoặc có những chương trình học bổng dài hạn cho các đối tượng học sinh. Ông Kror Yin thông tin: Tính từ đầu nhiệm kỳ đại hội lần thứ II (2007-2013) đến cuối tháng 6-2021, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động từ các nguồn lực của xã hội, số tiền và hiện vật (quy thành tiền) được hơn 54,148 tỷ đồng. Đồng thời, đã tài trợ cho các đối tượng phục vụ theo Điều lệ hoạt động của Quỹ Khuyến học là 62.230 suất học bổng, hiện vật (quy thành tiền) với số tiền 50,039 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thế nhưng công tác vận động, đóng góp, tài trợ cho Quỹ Khuyến học trên toàn tỉnh vẫn đạt được những tín hiệu khả quan với hơn 5,9 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng đã hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong thời gian phòng-chống dịch Covid-19 và trao 9.930 suất quà, học bổng cho các đối tượng học sinh hiếu học với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
|
Ông Văn Thanh Hưng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP. Pleiku trao học bổng khuyến học cho học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Ảnh: Mộc Trà |
Hội Khuyến học huyện Kbang là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng nguồn Quỹ Khuyến học tại địa phương. Bà Hoàng Thị Quế-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện-chia sẻ: Hàng năm, Huyện Hội đều xây dựng kế hoạch vận động cán bộ, công chức cùng toàn thể nhân dân hỗ trợ xây dựng Quỹ Khuyến học các cấp theo mức quy định tối thiểu 40 ngàn đồng/người/năm; hội viên các xã, thị trấn huy động tối thiểu 10 ngàn đồng/hộ/năm. Đồng thời, tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp bằng hiện vật, tiền mặt nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, học sinh vượt khó học giỏi… có cơ hội, điều kiện học tập tốt hơn. Đến nay, Quỹ Khuyến học huyện hiện có hơn 123,3 triệu đồng; riêng 9 tháng đã vận động được 25 triệu đồng và tặng 123 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn.
“Có thể nói, trong suốt 20 năm hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh đã góp phần vào những kết quả đáng khích lệ của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của xã hội về công tác khuyến học được nâng cao; hoạt động khuyến học được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Các cấp Hội và đội ngũ cán bộ khuyến học các cấp đã có kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền, vận động quần chúng tham gia làm khuyến học với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú. Đây chính là những tiền đề quan trọng để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”-ông Ksor Yin khẳng định.
MỘC TRÀ