(GLO)- Giai đoạn 2017-2020, hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân có nhiều khởi sắc. Tại Gia Lai, chương trình Tiếng Anh 10 năm phổ thông được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục quan tâm triển khai trên quy mô toàn tỉnh. Tuy nhiên, với không ít trường vùng khó, việc dạy và học môn này vẫn còn là điều bất khả thi.
Học sinh lớp 9/2, Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trong tiết học môn Tiếng Anh. Ảnh: Hồng Thi |
Kết quả đáng khích lệ
Giờ học môn Tiếng Anh của lớp 9/2, Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) diễn ra trong không khí sôi nổi. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Bùi Thị Mỹ Linh, các em học sinh chia thành nhiều nhóm nhỏ, mạnh dạn thể hiện quan điểm của bản thân về những vấn đề xã hội liên quan đến nội dung bài học bằng tiếng Anh.
Em Dương Tiến Hải chia sẻ: “Tiết học Anh văn của chúng em thường rất thú vị. Ngoài kiến thức từ sách giáo khoa, em được biết thêm nhiều điều hay qua sự gợi mở của cô giáo và phần tranh luận của các bạn. Em thích môn Tiếng Anh kể từ năm lớp 3 và đang cố gắng học từng ngày”.
Theo cô Linh, để có được những giờ học ngoại ngữ vui vẻ và hiệu quả, học sinh phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp. Ngoài đọc trước sách giáo khoa, học sinh phải tìm hiểu và tham khảo thêm những kiến thức liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng mới có thể tiếp thu bài dễ dàng. Về phía giáo viên, việc cập nhật tin tức xã hội cũng phải được thực hiện hàng ngày để vận dụng vào giảng dạy một cách phù hợp, đúng thời điểm, vấn đề; đồng thời làm tốt khâu ứng dụng công nghệ vào bài giảng, tăng cường tương tác nhằm hỗ trợ học sinh rèn luyện được 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.
Trường THCS Phạm Hồng Thái là một trong những đơn vị đầu tiên trong tỉnh được chọn dạy thí điểm chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm. Theo đó, nhà trường đã triển khai dạy cho học sinh lớp 6 theo danh sách trúng tuyển đầu năm hoặc những học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ như Movers, Flyers, KET… và duy trì dần lên các lớp 7, 8, 9.
Hiệu trưởng Trần Tâm cho hay, thuận lợi của nhà trường là hầu hết học sinh khi tham gia khảo sát năng lực tiếng Anh lớp 6 đều có nguyện vọng học chương trình thí điểm. Đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra và đánh giá để phù hợp với từng đối tượng học sinh; 14 giáo viên dạy tiếng Anh của trường đều đạt trình độ B2.
Khi triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia, nhà trường được cấp 1 phòng dạy ngoại ngữ, 1 bảng tương tác thông minh, 4 máy chiếu, 20 bộ tranh lớp 6, 16 bộ tranh lớp 7… giúp việc dạy và học bộ môn này được tốt hơn. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường còn kết hợp với cha mẹ học sinh trang bị ti vi trong các lớp học, nhất là các lớp học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm.
“Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đề án, môi trường học tập tiếng Anh ngày càng thân thiện, đa dạng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên được nâng cao. Học sinh phát triển đồng đều 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tự tìm tòi, giải quyết vấn đề. Cuối năm học, 100% học sinh đạt điểm môn Tiếng Anh từ trung bình trở lên; nhiều em còn tham gia và giành giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh”-thầy Tâm thông tin thêm.
Các giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đối với môn Tiếng Anh. Ảnh: Hồng Thi |
Tương tự, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng là đơn vị triển khai hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh chương trình 10 năm. Một trong những giải pháp được nhà trường đặc biệt chú trọng là đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đối với môn Tiếng Anh.
Việc sinh hoạt không tập trung đánh giá, xếp loại giáo viên mà nhằm khuyến khích họ tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt kết quả như ý muốn và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học. Giáo viên phải xây dựng bài học minh họa; tổ chức dạy học minh họa và dự giờ; phân tích bài học và cuối cùng là vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày.
Cô Khổng Quang Ánh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Hiện 1.346 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của trường đều được học tiếng Anh. Trường cũng đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh với 30 thành viên, tổ chức cho các em sinh hoạt 2 lần/tháng; xây dựng các tiết học trải nghiệm bằng tiếng Anh với nhiều nội dung, chủ đề phong phú; đồng thời kết hợp trang trí song ngữ trong trường học, phòng học. Qua đó, giúp các em học từ, nhớ từ và rèn luyện kỹ năng nghe-nói, tự tin hơn trong giao tiếp. Kết thúc năm học, 100% học sinh của trường đều hoàn thành chương trình môn học đề ra”.
Với chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm, học sinh phát triển đồng đều 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Ảnh: Hồng Thi |
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 32 trường mầm non công lập và 16 trường mầm non ngoài công lập triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Cấp tiểu học có 13/17 phòng GD-ĐT triển khai tổ chức dạy và học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (4 tiết/tuần); cấp THCS có 16/17 phòng GD-ĐT, còn cấp THPT chỉ có 16/50 trường. Chất lượng và tỷ lệ dạy học môn Tiếng Anh hệ 10 năm giữa các trường không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa vùng khó khăn và vùng trung tâm.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai), tỷ lệ học sinh tham gia học tiếng Anh hệ 10 năm rất ít (5/28 lớp với 346/1.207 học sinh). Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trường, những học sinh đăng ký đều ở khu vực thuận lợi. Tài liệu cũng như nguồn học liệu đối với môn Tiếng Anh hệ 10 năm rất ít nên giáo viên gặp khó khăn trong việc tham khảo và giới thiệu cho học sinh. Kỹ năng nói và nghe vẫn là vấn đề nan giải đối với học sinh, bởi thói quen học để làm bài kiểm tra viết khiến các em chỉ tập trung vào học ngữ pháp, thiếu đầu tư thời gian cho các kỹ năng còn lại.
Chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh hệ 10 năm giữa các trường không đồng đều. Ảnh: Hồng Thi |
Đề án ngoại ngữ quốc gia được triển khai từ năm 2008 theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, mục tiêu cụ thể là triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm; tức là từ lớp 3, môn ngoại ngữ bắt buộc ở các bậc học phổ thông. Qua một thời gian triển khai thực hiện, ngày 22-12-2017, tại Quyết định số 2080/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. |
Theo đề án ngoại ngữ quốc gia, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, đến nay, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) vẫn không thể triển khai dạy và học tiếng Anh cho học sinh. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhà trường hiện chưa có giáo viên giảng dạy môn học này.
Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Học sinh dân tộc thiểu số của trường chiếm gần 95%, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện tại, chúng tôi còn phải hỗ trợ ăn trưa cho học sinh lớp 1 để duy trì sĩ số, thế nên việc xã hội hóa để dạy và học tiếng Anh theo nhu cầu là điều bất khả thi”.
Không riêng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp mà tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện Ia Pa đều chưa triển khai thực hiện được chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Ông Trần Danh Luận-Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ia Pa-cho hay: “Trên địa bàn huyện có 29 cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng quản lý, gồm: 9 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 7 trường THCS, 4 trường tiểu học và THCS. Theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ quốc gia, mỗi trường phải có ít nhất 2 giáo viên để đảm bảo dạy 4 tiết/tuần/lớp.
Thế nhưng, hiện nay, toàn huyện mới có 5 giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học nên việc dạy học chỉ mang tính tự chọn. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ dạy và học Anh ngữ tại các trường còn thiếu. Học sinh dân tộc thiểu số lại chiếm tỷ lệ khá cao nên rất khó triển khai cho các em làm quen ở bậc học mầm non hoặc lớp 1, 2 để làm cơ sở tổ chức dạy học hệ 10 năm từ lớp 3”.
Để khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, theo TS. Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh công tác dạy học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm và có kế hoạch thực hiện phù hợp; tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng để thực hiện giảng dạy gắn liền với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Cùng với đó, Sở sẽ rà soát cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường để có kế hoạch đầu tư; phấn đấu 100% trường học đều được cung cấp thiết bị tối thiểu dạy học ngoại ngữ và tăng cường đầu tư phòng nghe-nhìn, phòng đa phương tiện cho những trường trọng điểm về chất lượng dạy học ngoại ngữ.
“Bên cạnh khuyến khích triển khai mở rộng việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ở những trường có đủ điều kiện, ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy và học ngoại ngữ; khuyến khích cơ chế tự chủ của các cơ sở GD-ĐT trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; thu hút đầu tư phát triển mở rộng các loại hình đào tạo tiếng Anh; phát huy nguồn lực ở các trung tâm ngoại ngữ có chất lượng trên địa bàn tỉnh đối với công tác tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá năng lực ngôn ngữ cho học sinh và giáo viên”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm.
HỒNG THI