Gia Lai: Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, các ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Gia Lai đã quan tâm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng đặc thù, nhất là người dân tộc thiểu số, người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người bị phạt tù được hưởng án treo. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng đặc thù.
buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hà Phương
Buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hà Phương
Cụ thể, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo biên soạn và phát hành miễn phí 992.867 bản tài liệu pháp luật các loại đến các cơ quan, tổ chức và các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời số hóa để đăng lên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý cho gần 15 ngàn lượt người dân tộc thiểu số; trợ giúp pháp lý cho 45 lượt người khuyết tật; lắp đặt 224 biển và 224 hộp tin trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố.
Đáng chú ý, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức cho hơn 5.500 lượt can phạm nhân được học tập nội quy trại tạm giam; tổ chức 270 cuộc PBGDPL cho 335 lượt phạm nhân được đặc xá; phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện, can phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù đều được học tập kiến thức tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức hơn 500 buổi học về giáo dục, pháp luật công dân cho 8.426 lượt phạm nhân. Đồng thời, lực lượng Công an toàn tỉnh còn tổ chức 638 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động tại các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tuyên truyền tập trung 2.101 buổi cho 150.095 lượt người nghe; giáo dục 2.246 thanh, thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tuyên truyền qua loa truyền thanh các xã biên giới 2.802 lần/41.882 phút, qua loa di động “Tiếng loa Biên Phòng” 2.449 lần/45.799 phút; phối họp với các trường học tại các xã khu vực biên giới tổ chức tuyên truyền tập trung 2.240 lần/8.460 lượt người nghe.
Cùng với đó, các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đang duy trì hoạt động 487 câu lạc bộ, mô hình phụ nữ với pháp luật với 15.622 thành viên. Các cấp Hội còn chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tâm lý và cung cấp đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ giải quyêt các vấn đê của phụ nữ và trẻ em gái tại cộng đông; thành lập và duy trì 1.357 “Địa chỉ tin cậy” tại 190/220 xã. Qua đó, góp phần tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tại địa phương...
Các hoạt động PBGDPL nói trên đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh.
TRẦN ĐỨC 

Có thể bạn quan tâm