(GLO)- Mới bước vào cao điểm mùa khô nhưng nhiều khu rừng ở Gia Lai đã trong tình trạng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Vì vậy, cơ quan chuyên môn cùng các địa phương, đơn vị chủ rừng đang tập trung các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng.
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Dreng (huyện Chư Păh) tuần tra, kiểm soát rừng vào mùa khô. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, do thời tiết hanh khô kéo dài, hiện nay, ngoài diện tích rừng tại các huyện Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm), diện tích rừng tại các địa phương còn lại đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm.
Điển hình như ngày 19-2, tại lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 1074 (xã Hbông, huyện Chư Sê), ông Kpă H’Uin phát hiện đám cháy trên diện tích 1,4 ha rừng keo trồng năm 2017 của mình. Lập tức, ông báo cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê, Ban Chỉ huy PCCCR xã Hbông, Hạt Kiểm lâm huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 (Chi cục Kiểm lâm) cùng người thân và những người làm rẫy xung quanh có mặt kịp thời để chữa cháy. Nhờ đó, đám cháy nhanh chóng được dập tắt, không gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng keo.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 226.743 ha rừng nguy cơ cao xảy ra cháy. Trong số này mới chỉ có 183 vùng trọng điểm cháy với diện tích 117.736 ha được đầu tư các hạng mục phòng-chống cháy rừng. Nhiều diện tích rừng (chủ yếu là rừng trồng) tiềm ẩn nguy cơ cháy trong mùa khô.
Huyện Ia Grai có khoảng 2.329 ha rừng dễ cháy, phân bố tại các tiểu khu như: 344 (xã Ia O), 365, 370, 371 (xã Ia Chía), 294, 296 và 299 (xã Ia Khai), 272, 268, 279, 282, 285 (xã Ia Bă)… Thời điểm này, đơn vị chủ rừng và các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ đang triển khai quyết liệt các giải pháp PCCCR nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay.
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phát dọn thực bì rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Rơ Lan Cai-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jăng Krái (xã Ia Khai) cho biết: “Làng nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 1.400 ha rừng tự nhiên và rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, làng đã thành lập 2 tổ (mỗi tổ 15 người) tuần tra thường xuyên và túc trực 24/24 giờ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời cháy rừng cũng như các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Đến nay, diện tích rừng nhận khoán của làng vẫn đang đảm bảo an toàn”.
Còn ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai thì thông tin: Vào cao điểm của mùa khô, nhiều tiểu khu do đơn vị quản lý có nguy cơ xảy ra cháy cao. Để chủ động ứng phó với tình trạng cháy rừng trong mùa khô năm nay, đơn vị đã thành lập 13 tổ PCCCR ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, trang bị dụng cụ dập lửa. Ngoài ra, đơn vị còn thành lập 3 tổ chuyên về PCCCR túc trực 24/24 giờ trong ngày ở các vùng trọng điểm để kịp thời phát hiện, dập tắt đám cháy.
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: Ủy ban nhân dân huyện triển khai công tác PCCCR từ sớm nhằm hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR phù hợp với điều kiện thực tế từng xã có rừng; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác lửa rừng 24/24 giờ trong ngày; khẩn trương xây dựng các công trình PCCCR, áp dụng các biện pháp làm giảm vật liệu dễ cháy; vận động người dân ký cam kết không sử dụng lửa trong rừng; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm dập tắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chủ rừng nâng cao trách nhiệm về PCCCR trong mùa khô 2020-2021.
“Thời điểm này, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp và lực lượng Kiểm lâm túc trực PCCCR 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh qua phần mềm Hotspot cài đặt trên điện thoại thông minh để kịp thời dập tắt, tránh cháy lớn gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; đồng thời sẵn sàng các phương án chữa cháy… Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra, đôn đốc về phương án PCCCR”-ông Nam thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP