Ảnh: Đức Thụy |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh cao Bằng, bà Nguyễn Thị Nương cho biết: Tỉnh Cao Bằng có đường biên dài 332 km giáp Trung Quốc và có 7 cửa khẩu, điểm thông quan với nước láng giềng này. Kinh tế tỉnh phát triển ổn định, GDP bình quân đầu người năm 2008 là 480 USD, gấp 2,4 lần so với năm 2000; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47,82% (năm 2005) xuống còn 31,25% (năm 2008). Đến nay có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) đã và đang triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn với tổng mức vốn đăng ký 23,77 triệu USD. Cao Bằng có nhiều tiềm năng về khoáng sản (bô xít, sắt, mangan...), nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tạo điều kiện cho phát triển thương mại-du lịch...; song còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ lệ dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 95% dân tộc thiểu số, trên 31% hộ nghèo)... Hiện Cao Bằng đang tiếp tục mời gọi đầu tư một số dự án về du lịch (Khu Di tích lịch sử Pắc Bó, thắng cảnh thác Bản Dốc...), các khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, các dự án công nghiệp, dự án nâng cao chất lượng nguồn lực cho tỉnh nhà... Trong chuyến làm việc lần này, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng bày tỏ mong muốn được đến thăm một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số Cao Bằng di cư vào sinh sống tại Gia Lai (hiện có 1.400 hộ/ 6.100 khẩu), đồng thời cảm ơn lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện cho những hộ này làm ăn, sinh sống ổn định cùng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ các kế hoạch hợp tác đầu tư về lâu dài nhằm hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội của 2 tỉnh trong thời gian tới.