Gia Lai cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong giai đoạn 2015-2020, Gia Lai đã tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Nhờ đó, công tác thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần tạo nên sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.  

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Từ năm 2015 đến nay, Gia Lai liên tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ vị trí thứ 47 năm 2015, lên vị trí 46 vào năm 2016 và 43 năm 2017. Đến năm 2018, tỉnh ta đã bứt phá ngoạn mục khi tăng một lúc 10 bậc lên vị trí thứ 33 của bảng xếp hạng PCI. Năm 2019, PCI của tỉnh tiếp tục tăng 3 bậc, đứng ở vị trí thứ 30 cả nước và xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên.

Vị trí của Gia Lai trên bảng xếp hạng PCI cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng đánh giá rất cao những nỗ lực của chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (thứ 3 từ phải sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: H.D
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành (thứ 3 từ phải sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy


Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư”. Hàng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ để chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhận định: “Nhờ môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Bằng việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), các doanh nghiệp đã nói lên được tiếng nói của mình, được trực tiếp đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương, chỉ ra những rào cản, vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tháo gỡ, khắc phục. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh”.

Tăng cường xúc tiến đầu tư

Giai đoạn 2015-2020, Gia Lai đã tổ chức rất thành công 3 hội nghị xúc tiến đầu tư gồm: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016, Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh tháng 5-2018 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vào tháng 11-2018. Cùng với đó là Hội thảo kiến tạo các chuỗi giá trị quan trọng cho 2 nền kinh tế Việt Nam và Australia tổ chức tại Gia Lai tháng 4-2018.

Olam tiêu tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy
Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai đầu tư trồng hồ tiêu ở huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy


Riêng trong năm 2019 cũng có khá nhiều hoạt động nhằm kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đó, Gia Lai phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm kết nối đầu tư vào tỉnh Gia Lai tại tỉnh Bắc Ninh tháng 10-2019; tổ chức buổi tọa đàm kết nối nhà đầu tư vào tỉnh Gia Lai năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến cuối năm 2020 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp Chính phủ.

“Bên cạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước thì tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Đã có 6 đoàn công tác của tỉnh đi quảng bá, xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh trên các lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài”-ông Hồ Phước Thành thông tin thêm.

Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Golf Long Thành, Tập đoàn Thành Thành Công, Tập đoàn Trung Nam, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản, Công ty KEPCO KDN thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk, Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc)... đã triển khai tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Với sự chú trọng đúng mức, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo sẽ đạt được những kết quả cao hơn, góp phần tạo nên sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhanh chóng đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng bình quân hàng năm đạt 8,6% trở lên; phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đến năm 2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.