Dưới thời ông Trump, Mỹ tiếp tục gia tăng quân sự ở biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo các chuyên gia Trung Quốc, dù có sự thay đổi lãnh đạo tại Nhà Trắng, nhưng những định hướng lớn trong chính trường Mỹ vẫn duy trì để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và đồng minh.

tau-khu-truc-my-uss-curtis-wilbur-ap-sat-dao-tri-ton-quan-dao-hoang-sa-cua-viet-nam-bi-chiem-dong-nam-2016-anh-hai-quan-my.jpg
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị chiếm đóng năm 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, kêu gọi xây dựng quan hệ song phương "ổn định, lành mạnh và bền vững".

Nghiên cứu chính sách của Mỹ, giới phân tích cho rằng với Trung Quốc, ông Trump có khả năng thúc đẩy cạnh tranh một cách cứng rắn, quyết liệt hơn. Chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.

Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), mỗi năm quân đội Mỹ thực hiện khoảng 8.000 chuyến bay quân sự trong khu vực.

Giáo sư Hồ Ba, người đứng đầu SCSPI, nhận định cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh xung đột trực tiếp. Về phía Philippines, các chuyên gia cho rằng nước này có thể tiếp tục cách hành xử "cường độ thấp" với Trung Quốc và tận dụng cạnh tranh Mỹ-Trung để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ.

Theo giới phân tích, về đối ngoại, nhiều khả năng ông Trump đưa ra quyết sách chưa có tiền lệ hay phá tiền lệ, bất chấp sự phản đối của cả nội bộ và đồng minh, đối tác. Lý do là vì bên cạnh tư duy và quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa, quan điểm của ông Trump chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ xuất thân doanh nhân và vị trí “người ngoài cuộc” trong hệ thống chính trị Mỹ.

Ông Trump theo đuổi “Chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc”, ưu tiên củng cố sức mạnh bên trong, giảm can dự trực tiếp bên ngoài, coi trọng kết quả thực chất trong quan hệ với đồng minh và đối tác. Những bước đi khó đoán của ông Trump đặt các quốc gia vào trạng thái luôn phải chủ động thích ứng và ứng phó.

Sự trở lại của ông Trump có thể dẫn đến thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine, quan hệ với Nga, từ đó tác động tới cán cân quyền lực Mỹ - Trung - Nga, định hình lại cục diện địa chính trị thế giới. Tình hình tại Trung Đông, quan hệ với Triều Tiên, vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ có những bước chuyển mới khi ông Trump lên nắm quyền.

Thương mại và biển là hai thành phần hợp nhất trong cuộc đấu tranh giành quyền lực chi phối thế giới. Không là trùng hợp khi Bắc Kinh triển khai cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo một cách phi pháp trên Biển Đông với tham vọng có thể thay Mỹ để trở thành đất nước có nền thương mại lớn nhất thế giới.

Tình hình đó khiến rủi ro xung đột gia tăng khi nước Mỹ dưới sự chỉ huy của ông Trump không do dự thách thức trực tiếp vị thế của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trên Biển Đông thông qua các chiến dịch tuần tra "vì tự do hàng hải". Mỹ cũng mở rộng phạm vi tuần tra trên không, bay qua đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, bất chấp các cảnh báo liên tục của quân đội Trung Quốc. Mỹ cũng khuyến khích các đồng minh cũng hành động như mình.

Các nước Đông Nam Á mong muốn một Biển Đông trật tự theo nền tảng luật pháp, ổn định, không mất ổn định hay gia tăng thêm việc quân sự hóa.

Việc Mỹ gia tăng quân sự và tích cực hoạt động trong khu vực, trong đó có biển Đông nhằm kiềm chế Bắc Kinh, buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hơn nhưng cũng đặt ra những rủi ro khiến cả khu vực châu Á phức tạp.

Có thể bạn quan tâm